Nhắc về người cấp trên, người đồng đội có gần 7 năm “tay súng, tay viết” cùng nhau trên khắp các mặt trận từ Bến Tre qua Trà Vinh, đến Vĩnh Long, thậm chí sang Campuchia rồi trở về lại Củ Chi trong những năm chiến tranh ác liệt (1968-1975), ông Ba Liếu luôn nói đến hai chữ “Trung Kiên” khi nhắc về đồng chí Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định (Ban Tuyên huấn T4). “Trong công việc, anh ấy luôn đặt hết tâm huyết để thực hiện. Bất cứ việc gì anh đã tham gia thì đều theo đuổi và làm tốt nhất từ khi nhận việc đến lúc hoàn thành. Anh không chỉ giỏi ngoại ngữ, viết báo cừ khôi mà còn là người sống tế nhị, tình cảm. Luôn thấu hiểu, quan tâm anh em, nhất là cấp dưới”, ông Ba Liếu trầm buồn khi nhớ về người đồng chí vừa ra đi.
Còn với bà Hoàng Thị Khánh, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến TPHCM, đồng chí Nguyễn Trọng Xuất là người tâm huyết và đau đáu trong bảo vệ tính chính xác, trung thực của lịch sử. Đặc biệt, anh Sáu Nhân có rất nhiều bài viết tâm huyết khẳng định vấn đề lịch sử gắn liền vai trò lãnh đạo của Đảng. “Ngoài ngưỡng mộ ông với những bài viết có hồn, có tâm, có trách nhiệm, tôi luôn nhớ về ông bởi tính cương trực, sự tìm tòi cùng kiến thức sâu rộng để có những bài viết phản bác các thông tin phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, bà Khánh bày tỏ.
Còn nhớ trong lần chia sẻ về sự kiện Ban Tuyên huấn Khu được nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Nguyễn Trọng Xuất không giấu được niềm vui của mình khi bộc bạch: Phải thấy danh hiệu anh hùng này kèm theo trách nhiệm của người làm công tác tuyên huấn. Đó là việc truyền khí thế, bản lĩnh, khí phách của ngành tuyên huấn cho thế hệ sau nối tiếp. Theo đồng chí, người làm công tác tuyên huấn phải có lòng yêu nước nồng nàn, dũng cảm, sáng tạo, dám hy sinh vì chính nghĩa, bên cạnh đó cần có bản lĩnh, trí tuệ, tin vào dân, dựa vào dân để chiến đấu.
Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định được chính thức thành lập vào năm 1960 do đồng chí Phạm Dân (Ba Hương) làm Trưởng ban. Ban có 24 đơn vị trực thuộc (gọi là B) với gần 300 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ gồm các bộ phận: tuyên truyền, thông tấn xã, nhiếp ảnh, báo chí, nhà in, văn công, điện ảnh, họ, khắc, huấn học, giáo dục, trường Đảng, văn phòng, bảo vệ căn cứ, tiếp liệu, đội giao liên cơ quan, giao liên bàn đạp... Ban có chức năng, nhiệm vụ phụ trách mặt trận chính trị - tư tưởng, vận động quần chúng các giới trên địa bàn khu Sài Gòn - Gia Định tham gia chống địch, đánh địch, ủng hộ cách mạng; khi cần thì chiến đấu tiêu diệt địch để tự bảo vệ và bảo vệ quần chúng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Xuất về công tác tại Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định từ năm 1965 và làm ủy viên thường trực Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định, sau giải phóng đồng chí làm Phó Trưởng Ban.
Đồng chí Nguyễn Trọng Xuất (Sáu Nhân) sinh năm 1932, tại Yết Kiêu, Gia Lộc, Hải Dương. Nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Giám đốc Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TPHCM, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM. Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Lao động hạng ba; Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân; Huy chương Vì thế hệ trẻ; Huy chương Tư tưởng văn hóa; Huy hiệu 70 tuổi Đảng. Đã từ trần vào lúc 21 giờ ngày 21-1-2022. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ phía Nam, số 5, Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM. Lễ viếng lúc 10 giờ ngày 23-1-2022. Lễ truy điệu lúc 8 giờ ngày 25-1-2022. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. |