Xung quanh vấn đề quy định khung làm thêm giờ tối đa, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động (NLĐ).
Việc tăng giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác tối đa sức lao động, hậu quả là NLĐ sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Vì vậy, UBTVQH đã không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, dù thực tế người sử dụng lao động và NLĐ có nhu cầu. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm như đã trình tại kỳ họp thứ 7 để Quốc hội tiếp tục thảo luận.
Do đó, Ủy ban đề xuất 2 phương án để các đại biểu cho ý kiến. Phương án 1: quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để NLĐ biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của NLĐ. Phương án 2: nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo nghị định chi tiết.
Ngay đầu giờ chiều, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã có phát biểu với những phân tích sâu sắc. Theo đồng chí, về vấn đề giờ làm việc trong ngày và trong năm, giai đoạn Karl Marx, người ta làm 10-16 tiếng/ngày, chính từ đó hình thành phong trào đấu tranh giảm giờ làm. Tiêu biểu là ngày 1-5-1886, cuộc biểu tình ở Chicago, đòi ngày làm việc 8 tiếng, 8 tiếng làm, 8 tiếng ngủ. Khẩu hiệu thứ 2 là ngày làm 8 tiếng nhưng không giảm tiền lương. Tức là lúc đó vẫn làm 10 giờ/ngày. Sau đó 3 năm, Hội nghị Quốc tế Cộng sản Paris do Mác-Anghen chủ trì chọn ngày 1-5-1890 trở đi là ngày Quốc tế lao động, đấu tranh 8 giờ/ngày.
Cách đây 130 năm, một doanh nghiệp nổi tiếng là Herry Ford, làm xe hơi của Mỹ, người đầu tiên sản xuất hàng loạt trên thế giới cũng thực hiện chế độ 1 ngày 8 tiếng, 6 ngày/ tuần. Sau đó, ông ấy làm thí nghiệm, ngày 8 tiếng nhưng tuần 5 ngày thì năng suất không giảm mà vẫn tăng. Vì vậy, ông Henry Ford tư bản chuyển từ 6 ngày sang 5 ngày/tuần. Sau đó nhiều nước làm theo. Tới năm 1940, Mỹ có luật của Quốc hội 1 tuần 40 giờ. Đó là thời điểm trước chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc 5 năm. Những năm sau chiến tranh, các nước chuyển từ 48 sang 40 giờ/tuần, tức 5 ngày. Sau đó cuộc tranh luận giữa 48 giờ và 40 giờ?. Người ta đã chứng minh từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng.
Ở nước ta, từ năm 60, ở miền Bắc công chức làm 8 tiếng, 6 ngày. Năm 1999 khi chuyển sang 5 ngày theo thông lệ quốc tế. Tức là ta đã chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ. Hiện nay ở Việt Nam có 2 nhóm người: người làm cho nhà nước thì 5 ngày, doanh nghiệp thì 6 ngày, 48 giờ/tuần. Điều này là không bình đẳng. Ở các nước không có luật lao động nào tách riêng, công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ, họ chỉ quy định chung cho đất nước. Thế giới từ năm 2000 tới nay, không còn 40 giờ mà đã giảm dần, trong 36-38 nước trong tổ chức kinh tế thế giới, chỉ còn 2 nước trên 40 giờ là Mexico 48 giờ/tuần và Hàn Quốc 43 giờ/tuần, còn các nước khác đã xuống dưới 40 giờ. Ví dụ Chile 37 giờ, Pháp 38 giờ, Đức 26 giờ/tuần. Nước Đức là một trong những nước năng suất cao nhất thế giới.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, thực tế đó cho thấy có vấn đề cần thảo luận. "Tôi cho rằng Việt Nam cần có lộ trình chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ, sau 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì sẽ làm 5 ngày mỗi tuần với NLĐ. Tuy nhiên, vẫn đi sau thế giới 80 năm.
Thứ hai, cần thảo luận làm thêm giờ để làm gì? Theo đồng chí, làm thêm giờ, trong ngắn hạn thì doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, NLĐ ngắn hạn có thêm thu nhập, nhưng hậu quả trước mắt là sức khoẻ NLĐ giảm sút. Đồng thời, làm thêm giờ thì năng suất lao động không tăng. Theo thống kê, nếu NLĐ làm hơn 40 giờ mỗi tuần thì năng suất không tăng. “Và người Việt Nam muốn gì? Hạnh phúc của người Việt Nam thì lâu nay chúng ta nêu nhiều giá trị. Nhưng vừa rồi có cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, điều tra người Việt Nam mong muốn gì về kinh tế. Kết quả là mong muốn là có thu nhập, có việc làm, có nhà. Về gia đình thì những giá trị lớn nhất như 95,4% mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt. “Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9 – 10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc đâu. Thế giới từ bỏ điều nay 133 năm nay rồi”, đồng chí nhấn mạnh.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TPHCM, tuy rằng nói làm thêm là tự nguyện nhưng điều này không thực tế như vậy. “Nếu một dây chuyền may mà có quá nửa công nhân nghỉ làm thêm thì số còn lại không thể may được cái áo, không làm được đôi giày. Nên nói tự nguyện là một phần thôi”, đồng chí nếu quan điểm. Theo đó, muốn tăng năng xuất lao động thì nguồn gốc phải đổi mới công nghệ, còn tăng giờ làm thì sẽ giảm năng suất lao động. “Đất nước muốn tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và giảm giờ làm. Làm thêm giờ thì càng mệt, năng suất càng giảm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.