Đoàn đã đến thăm gia đình đồng chí Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) (mất năm 1988).

Bày tỏ lòng biết ơn đến đồng chí Phạm Hùng, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chia sẻ, không khí những ngày 30-4 lịch sử lại nhắc nhớ các thế hệ đi sau về những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh, để đất nước được thống nhất và phát triển như ngày nay, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Phạm Hùng - người được Bộ Chính trị cử làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh năm 1912, tại tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân TPHCM tình cảm ưu ái và sự quan tâm sâu sắc.
Đồng chí đã giải quyết cho TPHCM hàng ngàn mẫu đất để thành lập nông trường trồng điều xuất khẩu đầu tiên ở miền Nam.
Nhiều công trình kinh tế và văn hóa rất có ý nghĩa ở TPHCM như: Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM, Nhà hát Hòa Bình, khu Hội chợ Quang Trung (nay là Công viên phần mềm Quang Trung), khu vui chơi giải trí Đầm Sen… đều có phần tâm trí, sức lực của đồng chí Phạm Hùng.
*Tiếp đó, đoàn đến thăm, tri ân gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội (mất năm 1996).

Tại đây, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu tham gia đoàn và thân nhân đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã dành nhiều thời gian chia sẻ về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, nhắc đến đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là nhắc nhớ hình ảnh người trí thức yêu nước, người cộng sản mẫu mực, một luật sư tài năng, suốt đời tận tụy vì nước, vì dân.

Trân quý tấm lòng của người cộng sản yêu nước, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng bày tỏ ấn tượng khi gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã lập nên một phòng truyền thống về đồng chí với nhiều hình ảnh và tài liệu quý giá.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ chúc người thân, gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh là Ba Nghĩa), sinh năm 1910 tại tỉnh Long An.
Sau thời gian du học tại Pháp, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trở về nước và mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long.
Những biến động lịch sử giai đoạn 1940-1945 đã thôi thúc luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng bước tham gia các hoạt động yêu nước. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông trở thành trí thức cách mạng tích cực ủng hộ chính quyền do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.