Sáng 19-8 (giờ địa phương), bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Slovenia, Đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Ljubljana, Slovenia.
Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy quận 1...
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Dejan Crnek, Phó Thị trưởng TP Ljubljana. Ông Dejan Crnek bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp Đoàn đại biểu TPHCM sang thăm và làm việc tại Slovenia; đồng thời đánh giá cao vai trò, vị trí và mục tiêu phát triển sắp tới của TPHCM. Ông Dejan Crnek cho biết, sẵn sàng làm cầu nối để giới thiệu các doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, hợp tác cùng nhau trên các lĩnh vực thế mạnh, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển của hai thành phố.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp hai địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu TPHCM đến thăm và làm việc tại Slovenia và TP Ljubljana, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Slovenia (1994 - 2024); đồng thời cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của Phó Thị trưởng TP Ljubljana Dejan Crnek.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị với Slovenia. Việt Nam - Slovenia có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, đặc biệt là quá trình đấu tranh giành độc lập và đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm hiện đại hóa đất nước, thoát khỏi đói nghèo, tụt hậu. Đây là yếu tố quan trọng giúp hai nước ngày càng xích lại gần nhau. Song, quan hệ thương mại, đầu tư song phương chưa tương xứng với mong muốn hai bên. Đồng chí tin tưởng doanh nghiệp hai bên sẽ tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) để tiếp cận thị trường lẫn nhau, từ đó thúc đẩy trao đổi thương mại phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá, TP Ljubljana là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Slovenia, trong đó các lĩnh vực mà Ljubljana có thế mạnh là dược phẩm, hóa dầu và chế biến thực phẩm. Do đó, TPHCM mong muốn tăng cường hợp tác với Ljubljana trong lĩnh vực thế mạnh của hai bên.
Cụ thể, về đầu tư, EVFTA đã tạo ra cơ sở vững chắc cho hợp tác giữa Việt Nam và Slovenia nói chung, trong đó có TPHCM và Ljubljana nói riêng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở những lĩnh vực thế mạnh và nhu cầu của hai bên. Đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị, hai bên sớm tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Ljubljana và TPHCM nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai địa phương được gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Trao đổi kinh nghiệm trong phát triển giao thông bền vững
Trao đổi với Phó Thị trưởng TP Ljubljana, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cũng nhấn mạnh đến mục tiêu, định hướng phát triển của TPHCM trong nhiều lĩnh vực.
Trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TPHCM, trong khi năng lực sản xuất của doanh nghiệp ngành này tại thành phố không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, ngành lương thực, thực phẩm của TPHCM vẫn còn nhiều hạn chế, điển hình là công nghệ chế biến còn chưa đạt tiêu chuẩn của thế giới. Do đó, TPHCM mong muốn tăng cường hợp tác với Ljubljana trong lĩnh vực này, cụ thể là chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực, TPHCM luôn tập trung vào việc phát triển gắn liền với sự bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, và tình hình thế giới luôn chuyển biến phức tạp. Vì vậy, TPHCM mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của TP Ljubljana trong phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, thực hiện các tiêu chuẩn xây dựng xanh và thúc đẩy các lựa chọn giao thông bền vững.
TPHCM cũng luôn kêu gọi và chào đón các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư của TP Ljubljana tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại thành phố, đặc biệt ở những lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dược phẩm...
TPHCM luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Slovenia đến tìm hiểu môi trường đầu tư, tham gia hoạt động kinh doanh tại TPHCM
- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải khẳng định.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cũng đã giới thiệu đến Phó Thị trưởng TP Ljubljana về TPHCM.
Theo đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, là trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học công nghệ của Việt Nam, TPHCM có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, cao gấp 1,5 lần bình quân cả nước, đóng góp khoảng 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước. GRDP bình quân đầu người ở TPHCM năm 2022 đạt khoảng 7.000 USD, gấp 2 lần bình quân cả nước. Với dân số khoảng 14 triệu dân, hơn 200.000 doanh nghiệp, TPHCM là một thị trường rộng lớn, hết sức tiềm năng cho doanh nghiệp.
Hiện nay, TPHCM đang tập trung thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; liên kết kinh tế vùng và phát triển vùng đô thị; đồng thời xây dựng chính quyền đô thị gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn.
TPHCM cũng đang nỗ lực xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, với “kiềng ba chân” là ba lĩnh vực (tài chính, thương mại, dịch vụ), từ đó tạo đột phá cho kinh tế TPHCM phát triển trong tương lai; đồng thời tiếp tục phát triển các khu đô thị mới và mong học tập kinh nghiệm quy hoạch đô thị, tiếp nhận vốn đầu tư vào các khu này.
Về dược phẩm, TPHCM đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, TPHCM chú trọng chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và thiết bị y tế, đặc biệt ưu tiên sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật cao, sản xuất vaccine, sinh phẩm, các thuốc mới, thuốc phát minh. Ngoài ra, TPHCM sẽ hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y dược…