Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa VIII (tháng 12-1997), đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tin vui đối với toàn Đảng, toàn dân, cùng là tin vui đối với giới báo chí. Không lâu sau đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có cuộc gặp lãnh đạo báo chí toàn quốc, nhân dịp năm mới 1998, ngay tại trụ sở Trung ương Đảng. Anh chị em lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và các địa phương trong cả nước hào hứng phấn khởi được gặp tân Tổng Bí thư. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang sau mấy lời giới thiệu ngắn gọn, trân trọng mời Tổng Bí thư nói chuyện với anh chị em báo chí cả nước.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lên bục, tươi cười thân mật nói: “Tôi rất vui được gặp các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí cả nước. Với anh em ở ngoài này thì đã gặp nhau nhiều rồi, không phải ưu tiên gì, nhưng hôm nay dành cho các báo ở phía Nam phát biểu trước. Mời Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu. Có anh Cao Xuân Phách ở đây không?”. Thật không ngờ, Tổng Bí thư lại mời Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu đầu tiên, lại gọi đích danh tên của tổng biên tập, tôi thật sự xúc động trước vinh dự đó… Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà báo trong Nam, ngoài Bắc, Tổng Bí thư mới nói chuyện với báo giới. Đồng chí đề cập nhiều vấn đề của Đảng, của đất nước thời kỳ mới, nêu cao trách nhiệm của báo chí nước nhà. Đấy là lần đầu tiên tôi được gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với một cảm nhận: Đồng chí rất giản dị, thân tình, gần gũi.
Đầu năm 1999, giữa đêm khuya, nhà báo Hữu Thọ, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương lúc bấy giờ, điện thoại cho tôi. Anh nói: “Phách ơi, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sắp có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Cậu chuẩn bị tham gia đoàn nhà báo Việt Nam đi theo Tổng Bí thư nha. Chính ông Phiêu nhắc mình bảo cậu đi đấy”… Đấy là chuyến đi đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam của đồng chí Lê Khả Phiêu.
Ngoài lễ đón trọng thể và hội đàm giữa hai đoàn Việt Nam - Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, đoàn được phía bạn mời thăm nhiều nơi như Công trình Thủy lợi Đô Giang Yểng, Công viên Khổng Tử, thành phố Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên và hai thành phố Quảng Châu, Chu Hải, tỉnh Quảng Đông… Chuyến tháp tùng đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Việt Nam, do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dẫn đầu, để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về bản lĩnh lãnh đạo trong đối ngoại, mối quan hệ tình cảm hữu nghị, thân thiện với nhân dân Trung Quốc, sự quan tâm sâu sắc với từng thành viên trong đoàn của đồng chí Tổng Bí thư. Sau chuyến đi, Tổng Bí thư cho mời các nhà báo trong đoàn đến họp, nghe các nhà báo báo cáo kết quả hoạt động. Tôi ở trong TPHCM, không ra họp, nghe anh em báo lại rằng Tổng Bí thư hỏi anh Phách đi có viết lách gì không… Tôi vui mừng trước sự quan tâm rất cụ thể, trực tiếp của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đối với tờ báo của Đảng bộ TPHCM.
Tết năm 2000, tôi ra Hà Nội họp Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, vinh dự được đến chúc mừng năm mới tại văn phòng làm việc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Tổng Bí thư xem lướt qua các ấn phẩm Xuân Canh Thìn 2000 của Sài Gòn Giải Phóng và chăm chú lắng nghe tôi báo cáo tình hình hoạt động của tờ báo Đảng bộ TPHCM, rồi đồng chí ân cần căn dặn tôi rất nhiều điều về vai trò của tờ báo đối với thành phố đang đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong tình hình Đảng bộ TPHCM đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Khi tiễn tôi ra về, đồng chí vỗ vai nói nhỏ: “Em động viên anh chị em phấn đấu đưa tờ báo phát triển tốt, có dịp vào làm việc với TPHCM, anh sẽ đến thăm Báo Sài Gòn Giải Phóng”. Lời dặn dò đó lại một lần nữa thực sự cho tôi niềm xúc động lớn lao.
Thực ra tôi biết các đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương đều rất quan tâm sâu sắc đối với báo chí nói chung và Báo Sài Gòn Giải Phóng nói riêng, nhưng với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tôi thấy đồng chí có sự quan tâm thật sự đặc biệt với tờ báo của Đảng bộ thành phố mang tên Bác. Những năm tháng gắn bó với Báo Sài Gòn Giải Phóng trên cương vị Tổng Biên tập, 3 lần được gặp và làm việc với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thật sự để lại trong tôi niềm kính trọng, sự quý mến đậm sâu, là kỷ niệm quý báu không thể nào quên.