Chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại hội thảo, hơn 40 tham luận đã tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Lê Hồng Phong cho Đảng và cách mạng Việt Nam.
Theo đó, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã lãnh đạo, chỉ đạo từng bước xây dựng, khôi phục phong trào cách mạng trong nước. Đến cuối năm 1934, hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước đã từng bước được khôi phục, lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng. Đại hội lần thứ I của Đảng (3-1935) tái lập Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục hệ thống tổ chức Đảng chính là nhân tố quyết định để đưa cách mạng Việt Nam phát triển vượt bậc trong giai đoạn mới. Đồng chí Lê Hồng Phong dù vắng mặt, do được cử tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, nhưng vẫn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho thấy uy tín cao và sự ghi nhận, khẳng định những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí đối với phong trào cách mạng nước ta.
Trên cương vị phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, rồi Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng Trung ương Đảng chỉ đạo từng bước hoàn thiện chủ trương, đường lối, biện pháp đấu tranh mới và công tác tổ chức xây dựng Đảng cho phù hợp với tình hình cụ thể của cách mạng; lãnh đạo phong trào dân chủ, tích cực đấu tranh trên mặt trận báo chí công khai, làm nên những thành tựu to lớn trong Cao trào Dân chủ những năm 1936-1939, đưa phong trào cách mạng tiến lên. Đặc biệt, những bài viết của đồng chí đã thể hiện tinh thần đấu tranh thẳng thắn với những quan điểm, nhận thức lệch lạc của một số đảng viên, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng; phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các phần tử trốtkít.
Thời gian học tập và rèn luyện tại Trung Quốc, đồng chí Lê Hồng Phong tích cực hoạt động, ủng hộ, bảo vệ cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham gia Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức - tổ chức cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số nhà cách mạng các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia thành lập năm 1925.
Đồng chí cũng hăng hái tham gia trong tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ (MOPR) do Quốc tế Cộng sản thành lập, nhằm giúp đỡ, bảo vệ những chính trị phạm, chống lại sự đàn áp, khủng bố của chính quyền đế quốc thực dân. Với những nỗ lực, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong đối với phong trào cách mạng Trung Quốc, năm 1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô và được Đại hội VII Quốc tế Cộng sản bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản về sự kết hợp tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.
Tại hội thảo, các tham luận đều đi đến thống nhất khẳng định, đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tinh thần, bản lĩnh, phẩm chất người cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong là tài sản vô giá của Đảng và cách mạng Việt Nam, có giá trị trường tồn, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Trình bày tham luận tại hội thảo, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nêu rõ: Học tập ở đồng chí Lê Hồng Phong, trước hết là học tập tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, học tập tinh thần dũng cảm, khí phách hiên ngang, kiên cường của người chiến sĩ cộng sản. Học tập ở đồng chí Lê Hồng Phong, điều cốt yếu là học tập ý chí phấn đấu không hề mệt mỏi để không ngừng vươn lên tự nâng cao kiến thức và nhiệt tình cách mạng, học tập lập trường, quan điểm kiên định và tính Đảng sâu sắc trong việc đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…
Trước khi trút hơi thở cuối cùng trong nhà tù đế quốc, đồng chí Lê Hồng Phong để lại lời nhắn nhủ đầy tâm huyết “Hãy giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng”. Lòng tin vững chắc đó và những cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi ghi sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Sài Gòn - Gia Định - TPHCM”.