
Sáng 5-4, Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy, Trường Cán bộ, Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2007). Tham dự buổi tọa đàm có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Trần Trọng Tân, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, cán bộ ban tuyên giáo các tỉnh thành phía Nam và đại diện gia đình cố Tổng Bí thư Lê Duẩn…
Bằng những sự việc, câu chuyện, dẫn chứng cụ thể, sinh động, các ý kiến, bài phát biểu cũng như những bài viết gửi đến cuộc tọa đàm đều tiếp tục khẳng định và làm nổi bật tầm trí tuệ, vai trò xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong đó, đặc biệt quan trọng là vai trò của đồng chí trong cuộc cách mạng miền Nam.
Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến, bài phát biểu tại cuộc tọa đàm về đồng chí Lê Duẩn.
Nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà chiến lược thiên tài

Nhân dân TPHCM nồng nhiệt chào đón đồng chí Lê Duẩn đến thành phố ngày 30-4-1985. Ảnh: THÁI BẰNG
Những năm công tác ở cơ quan Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, anh em cán bộ chúng tôi được nghe phổ biến thư của đồng chí Lê Duẩn gởi vào Nam, thường là có sự phân tích, lý giải rất sâu sắc.
Sau ngày miền Nam được giải phóng, tôi mới có nhiều lần gặp và được nghe đồng chí nói chuyện. Thú vị nhất là qua nghe ý kiến đồng chí Lê Duẩn, có vấn đề tôi tưởng đã hiểu, nhưng hóa ra là chưa hiểu hoặc hiểu sai.
Ý kiến của đồng chí thường là suy nghĩ rất độc lập. Đó là suy nghĩ từ thực tế, từ thực tiễn với vốn sống phong phú, để tìm lẽ phải, không bị lệ thuộc vào một khuôn sáo nào hết…
…Đồng chí Lê Duẩn thuộc thế hệ những đảng viên đầu tiên lúc mới thành lập Đảng. Nhiều năm đồng chí là Tổng Bí thư của Đảng. Là Tổng Bí thư, đồng chí không chỉ là người đứng đầu mà còn thực sự là một cái đầu lớn. Theo nhận thức của tôi, sau khi Bác Hồ mất, đồng chí Lê Duẩn là người tiêu biểu cho đỉnh cao về trí tuệ mưu lược của Đảng ta, của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đồng chí TRẦN TRỌNG TÂN
(nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương)
…Suốt từ khi gặp anh Ba trong kháng chiến chống Pháp, qua kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thời gian công tác ở TPHCM sau giải phóng rồi ra Hà Nội nhận công tác ở Trung ương và tới hôm nay, tôi luôn giữ trong mình tình cảm kính phục và những kỷ niệm sâu sắc về anh.
Đối với tôi, sau Bác Hồ, anh Ba Duẩn là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà lý luận uyên thâm, nhà hoạt động thực tiễn lớn của Đảng và của dân tộc ta, người có vai trò đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Điều tôi cảm nhận rất sâu sắc từ nơi anh là ý thức dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ và tư duy sáng tạo, trăn trở, tìm tòi trong lý luận, trong thực tế cuộc sống để phát hiện những điều mới mẻ, đúng đắn, có lợi cho nước, cho dân. Anh Ba rất kỵ, tới mức dị ứng, với cả “căn bệnh giáo điều, sách vở” và “căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa”.
Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, anh luôn nhắc nhở chúng tôi bám sát thực tế và không ngừng sáng tạo trong tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương. Lời căn dặn đó của anh càng thêm ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta vừa thực hiện từng bước làm rõ “định hướng xã hội chủ nghĩa”…
Nguyên Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT
Con người của sự sáng tạo, đổi mới
…Đất nước ta đã diễn ra quá trình đổi mới từng phần, đổi mới cục bộ, từ cơ sở rồi mới có đường lối đổi mới vào năm 1986. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đóng góp của đồng chí Lê Duẩn vào việc hình thành tư tưởng đổi mới còn ít công trình nghiên cứu trước Đại hội VI (năm 1986).
Đây là 10 năm “mò mẫm”, trăn trở bằng những thử nghiệm “làm cho sản xuất bung ra”, thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với dân tộc. Đồng chí là một nhà lý luận, nhà tổ chức, tổ chức thực hiện với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy đồng chí Lê Duẩn luôn luôn thực hiện tư tưởng chỉ đạo “chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”, chân lý phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là người làm nên lịch sử…
Từ những tư tưởng trên đây của đồng chí Lê Duẩn, Hội nghị Trung ương VI (tháng 8-1979) bàn và đã ra nghị quyết về tình hình kinh tế cấp bách trước mắt, cách tháo gỡ cho “sản xuất bung ra”, nhất là hàng tiêu dùng và lương thực thực phẩm…
Th.S NGUYỄN HỮU HÙNG
(Trường Cán bộ TP)
…Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đã được nghe anh Ba phát biểu về một số vấn đề kinh tế rất gần so với những chính sách trong đổi mới. Anh nói tới sự cần thiết phải duy trì nhiều thành phần kinh tế ở miền Nam, không thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp như miền Bắc, coi trọng vai trò của trung nông…

Người dân Hà Nội tham quan triển lãm các hiện vật, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Lê Duẩn. Ảnh: MINH ĐIỀN
Thời kỳ thực hiện cải tạo công thương nghiệp miền Nam, tôi không thấy anh thúc giục mà rất quan tâm đến đời sống của những người làm ăn, buôn bán nhỏ. Một lần, vừa tới TP, anh Ba gọi tôi lại bảo: “Nghe nói TP cải tạo công thương nghiệp, dẹp cả buôn gánh bán bưng, có đúng không?”.
Thực tế khi đó, một số anh em bên dưới có làm quá mức nhưng Thành ủy đã chấn chỉnh. Vừa may hôm trước, tôi tới khu chợ ở Thị Nghè, nghe kể về một chị 4 con nhỏ đang tính phải về quê Bến Tre dù biết rằng về đó không làm gì cho đủ ăn. Tôi đề nghị anh em phường, quận nói với chị cứ ở lại tiếp tục buôn bán, nuôi con, lo đời sống gia đình.
Tôi cũng nhắc nhở anh em nên tạo điều kiện cho những người bỏ sức lao động của mình ra buôn bán kiếm sống. Tôi đem chuyện đó kể lại với anh Ba. Dường như còn chưa tin hẳn, vài hôm sau, trên đường ra sân bay về Hà Nội, anh Ba gọi anh Trần Tấn, Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách thương nghiệp, lên xe đi cùng. Anh Ba cho xe chạy mấy vòng quanh khu chợ Sài Gòn, An Đông. Khi ra tới máy bay, anh mới bảo anh Tấn: “Anh về nói lại với Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt – PV) là tôi tin sự chỉ đạo của Thành ủy”.
Tôi hiểu rằng, anh Ba đã nhận thấy những gì đang diễn ra chưa đáp ứng được yêu cầu, cần phải được thay đổi.
Nguyên Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT
Sau giải phóng, đồng chí Lê Duẩn với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đã luôn quan tâm chỉ đạo đối với TPHCM. Có lẽ do am hiểu sâu sắc Sài Gòn - Gia Định, Nam bộ, hiểu con người và xã hội nơi đây qua thời kỳ chiến tranh, nên đồng chí đã có những chỉ đạo sâu sắc, mới, phù hợp với tình hình, động viên, ủng hộ tính năng động sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân TPHCM.
Trong bài phát biểu đầy tâm huyết tại Đại hội đại biểu lần thứ 3 của Đảng bộ TPHCM (tháng 11-1983), đồng chí đã gởi đến toàn Đảng bộ và nhân dân TP lời hiệu triệu thiết tha với niềm tin và dự báo sắt đá: “Vì cả nước, cùng cả nước, TPHCM hôm qua đã được giải phóng. Vì cả nước, cùng cả nước, TPHCM hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.
PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN
(Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy)
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: Cuộc tọa đàm đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý |
PHẠM TRƯỜNG ghi
*****
Hội thảo “Tổng Bí thư Lê Duẩn với truyền thống văn hóa dân tộc”
* Trưng bày 500 hiện vật, tư liệu về đồng chí Lê Duẩn
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7- 4 -1907 - 7- 4 -2007), ngày 5-4, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Lê Duẩn với truyền thống văn hóa dân tộc”, với gần 50 giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu tham dự.
Gần 30 bài tham luận trình bày trong hội thảo đều tập trung phân tích các tư tưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Nổi bật là các tham luận “Lê Duẩn với vấn đề truyền thống và hiện đại của văn hiến Việt Nam” của GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu; “Tổng Bí thư Lê Duẩn với nghệ thuật tuồng” của NSND Đàm Liên...
* Chiều 5 - 4, tại Hà Nội, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng TƯ Đảng tổ chức trưng bày gần 500 tư liệu, hiện vật giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Dự khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đại diện nhiều bộ, ngành cùng đông đảo quần chúng nhân dân thủ đô.
V.X- T.H