Mỹ tiếp tục cứng rắn
Phát biểu trên báo Handelsblatt của Đức ngày 5-12, Quyền Đại sứ Mỹ tại Đức Robin Quinville nhấn mạnh: “Đã đến lúc Đức và EU cần áp đặt lệnh cấm Nga xây dựng đường ống...”. Theo Washington, đây không chỉ là một dự án kinh tế đơn thuần mà có thể là công cụ chính trị của Moscow, để né tránh Ukraine và gây chia rẽ châu Âu.
Trước đó, Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2021, trong đó có các biện pháp trừng phạt mới đối với việc lắp đặt tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”. Các biện pháp mở rộng này được đưa vào dự luật về ngân sách quốc phòng của Mỹ, đồng thời áp đặt hạn chế đối với các công ty bảo hiểm và tổ chức chứng nhận. Ngoài ra, các công ty cung cấp dịch vụ hiện đại hóa hoặc lắp đặt thiết bị hàn trên các tàu tham gia lắp đặt dự án cũng bị trừng phạt.
Đáp lại, giới chức Nga cùng ngày 5-12 đã ra tuyên bố chỉ trích việc Mỹ kêu gọi EU ngừng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Trong một bài đăng trên Facebook, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định: “Bất kể khi nào và ở đâu, bất kể đó là thỏa thuận nào, một đường ống của Nga cũng khiến Mỹ có phản ứng tương tự trong suốt nhiều thập niên qua - một sự gây hấn chính trị và ngăn cản bất hợp pháp”.
Khó ngừng dự án
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) là đường ống trị giá 10 tỷ EUR (khoảng 11 tỷ USD) gần như sắp hoàn thiện dưới biển Baltic và được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Dự án hiện chỉ còn khoảng 6% trong tổng chiều dài 1.200km của đường ống còn dang dở và theo kế hoạch có thể hoàn công vào tháng 4 đến tháng 6-2021.
Từ lâu, mục tiêu của Washington chính là gây sức ép đối với các nhà nhập khẩu châu Âu chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ thay thế cho nguồn khí đốt đường ống từ Nga và tìm mọi lý do để loại bỏ sự cạnh tranh trên thị trường khí đốt châu Âu.
Theo giới quan sát, xác suất loại bỏ dự án cũng khá thấp vì điều này cần sự đồng ý của từng quốc gia thành viên EU. Hơn nữa, 5 ông lớn năng lượng hàng đầu châu Âu - đối tác của Gazprom trong “Dòng chảy phương Bắc 2” - gồm Wintershall và Uniper của Đức, Shell của Anh và Hà Lan, Engie của Pháp và OMV của Áo đã đầu tư 50% cổ phần dự án. Tổng cộng đã có 670 công ty từ 25 quốc gia tham gia “Dòng chảy phương Bắc 2”. Châu Âu sẽ thiệt đủ đường nếu ngừng dự án này.
Các quan chức hàng hải của Đức cùng ngày vừa đưa ra cảnh báo đối với tàu thuyền tránh khu vực Biển Baltic đến ngày 31-12. Đây là nơi các đoạn đường ống cuối cùng đang được lắp đặt. Trang web theo dõi tàu thuyền marinetraffic cũng ghi nhận các tàu lắp đặt đường ống của Nga như Fortuna và Akademik Cherskiy đang di chuyển về phía khu vực này.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Yuriy Korolchuk thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược của Ukraine, cho rằng việc hoàn tất dự án sẽ đóng vòng vây khí đốt ở châu Âu và đảm bảo khí đốt cho các nước trước đây không được Dòng chảy phương Bắc hay Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ bao phủ. Do đó, vấn đề khí đốt sẽ được giải quyết cho Áo, CH Czech, Hungary và Italy.