Đồng bộ trong kỷ luật đảng viên và kỷ luật cán bộ là cần thiết

Ngày 18-6, Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay", nhận được nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh việc đồng bộ trong kỷ luật đảng viên và kỷ luật cán bộ như thế nào là phù hợp.

Hội thảo khoa học "Pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay" của Trường ĐH Luật TPHCM thu hút nhiều chuyên gia tham dự
Hội thảo khoa học "Pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay" của Trường ĐH Luật TPHCM thu hút nhiều chuyên gia tham dự

Tại hội thảo, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước (Trường ĐH Luật TPHCM) nhận định, đồng bộ trong quy định về kỷ luật đảng viên và pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức là cần thiết, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Hiện nay, các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức với xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã có sự đồng bộ trong nguyên tắc xử lý, xác định hình thức và thời hiệu xử lý kỷ luật. Trong đó, Nghị định 112 sau khi sửa đổi đã có những điều chỉnh phù hợp với Quy định 69 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

z5550182082409_2e68d95e40305172d9f197d78a7a51e3.jpg
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước (Trường ĐH Luật TPHCM) phát biểu tại hội thảo

Sự đồng bộ trong nguyên tắc xử lý sẽ đảm bảo sự công bằng, khách quan, tránh tình trạng "cùng một hành vi thì chỗ này xử lý kỷ luật đảng nặng, xử lý kỷ luật hành chính lại nhẹ và ngược lại".

TS Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, xét về tất cả các mặt chính trị, khoa học, thực tiễn thì sự đồng bộ trong kỷ luật đảng viên và kỷ luật cán bộ là cần thiết.

z5550182087850_c0e4677a9ad2f1d58b88dfa7ee85ff7f.jpg
TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường ĐH Luật TPHCM) phát biểu tại hội thảo

Theo TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường ĐH Luật TPHCM), hiện nay có cảm nhận, các nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính bị chi phối quá lớn bởi các quy định về kỷ luật đảng. Trong khi đó xử lý kỷ luật hành chính có vai trò là một loại trách nhiệm pháp lý độc lập. Trách nhiệm kỷ luật hành chính trở nên hình thức hoá và được xem như là một hệ quả phát sinh từ trách nhiệm kỷ luật đảng.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí phân tích, trước một hành vi vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức với nhà nước là như nhau. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành đang có nguy cơ tạo ra một sự thiếu công bằng, khách quan giữa những cán bộ, công chức là đảng viên và cán bộ, công chức không phải đảng viên, trong khi trước một hành vi vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý của họ với nhà nước là như nhau. Vì vậy, sự đồng bộ giữa đồng bộ trong kỷ luật đảng viên và kỷ luật cán bộ cần phải được biện giải, minh chứng về giá trị mang lại hơn là chỉ vì cần một sự tương đồng mà không có lý do khoa học cho sự tương đồng đó.

1000029107.jpg
TS Huỳnh Thị Sinh Hiền, Trường ĐH Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo

Còn theo TS Huỳnh Thị Sinh Hiền, Trường ĐH Cần Thơ, cần sự giải thích cụ thể hơn đối với các hành vi gây hậu quả ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng trong các quy định về kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính để tránh sự cảm tính khi thi hành các biện pháp kỷ luật.

Tính chính trị trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức

Theo TS Trần Thị Thu Hà (Trường ĐH Luật TPHCM), pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay phản chiếu tư tưởng, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tăng cường trách nhiệm kỷ luật hành chính trong nền công vụ. Điều này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh, yêu cầu cấp bách của công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng hiện nay.

Sự đồng bộ, tương thích giữa các quy định về xử lý kỷ luật đảng và xử lý kỷ luật hành chính trong pháp luật hiện hành được thể hiện ở mức độ sâu sắc. Luật cán bộ, công chức năm 2018, sửa đổi bổ sung năm 2019 và Nghị định 112/2020, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 71/2023 là những văn bản pháp luật thấm nhuần đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, mang đậm tính chính trị.

Tin cùng chuyên mục