Xử lý đồng bộ, tương xứng
Hiện nay, việc xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm được thực hiện dựa trên các văn bản sau: Quy định số 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTƯĐ) về công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đảng và Hướng dẫn số 02, Quy định số 24-QĐ của BCHTƯĐ về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 69 của BCHTƯĐ về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (Quy định 69).
Trong khi đó, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được thực hiện dựa trên các văn bản sau: Luật Cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Cán bộ, công chức); Nghị định 112/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2023 của Chính phủ (Nghị định 112 sửa đổi).
Bàn về các quy định này, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM, nhận định, các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức với xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã có sự đồng bộ trong nguyên tắc xử lý, xác định hình thức và thời hiệu xử lý kỷ luật. Trong đó, Nghị định 112 của Chính phủ sau khi sửa đổi đã có những điều chỉnh phù hợp với Quy định 69 của BCHTƯĐ.
Cụ thể hơn, TS Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: Nghị định 112 cũ có quy định, trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất. Trong khi đó, Quy định 69 quy định: Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật, nếu có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất. Như vậy, nếu xét theo nguyên tắc áp dụng trong hai trường hợp trên thì cán bộ, công chức vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hành chính nặng hơn so với hình thức xử lý kỷ luật đảng.
Chính vì vậy, Nghị định 112 sửa đổi đã điều chỉnh quy định tại khoản 2, Điều 2 để thống nhất với nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng tại Quy định 69, cụ thể: mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận về từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, để tránh trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Quốc hội khóa XV đã điều chỉnh về thời hiệu xử lý kỷ luật và nội dung này được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 5, Nghị định 112 sửa đổi. Theo đó, trừ trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật quy định tại khoản 4 Điều 5 thì thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau: 5 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này. Thời hiệu điều chỉnh đã tương xứng với quy định tại Điều 4 Quy định 69.
TS Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, thực tế cho thấy việc phát hiện hành vi vi phạm để xử lý đôi khi cần một khoảng thời gian rất dài do cán bộ, công chức vi phạm cố tình che giấu vi phạm một cách tinh vi. Việc tăng thời hiệu góp phần nâng cao trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền trong việc phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, tránh bỏ sót vi phạm không xử lý được do thời hiệu quá ngắn như trước đây.
Cách tất cả các chức vụ trong Đảng thì kỷ luật hành chính như thế nào?
Đối với các đảng viên là cán bộ cấp cao nhưng có vi phạm tới mức bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, dư luận cũng rất quan tâm họ sẽ bị kỷ luật hành chính như thế nào? TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước tiên, phải nhấn mạnh nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng, quy định tại Quy định 22 là: Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời; tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Bên cạnh đó, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác). Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.
Vì vậy, sau khi cán bộ là đảng viên bị kỷ luật thì sẽ phải đối mặt với kỷ luật hành chính theo Nghị định 112 sửa đổi. Với trường hợp bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng thì mức kỷ luật hành chính tương đương là cách tất cả các chức vụ hành chính trong thời gian tương ứng với các chức vụ trong Đảng.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, hiện không có hình thức kỷ luật đảng nào tương xứng với hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức. Chúng ta khó áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức khi cơ quan, đơn vị đã đủ chỉ tiêu biên chế cho các vị trí chức vụ. Bởi trong trường hợp này, nếu vì không còn chỉ tiêu biên chế mà người có thẩm quyền áp dụng giáng nhiều cấp xuống thành không còn chức vụ thì mức độ sẽ tương đương cách chức, không tương xứng với hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của công chức vi phạm kỷ luật. Việc không quy định, giải thích cụ thể về hình thức kỷ luật giáng chức sẽ dẫn đến khả năng các cơ quan, đơn vị có thể hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế.
Thời gian vừa qua, trường hợp cựu bí thư, chủ tịch tỉnh sau khi bị xử lý về mặt đảng thì ngay liền đó là hình thức kỷ luật hành chính. Ví dụ mới nhất như trường hợp của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Ninh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021. Ngày 26-4, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với bà N., Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2021-2026; quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đối với ông Q., nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.