Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã phải di dời trên 400 hộ dân ở các khu vực sạt lở nghiêm trọng về nơi ở mới. Sạt lở bờ biển còn gây thiệt hại lớn đến cơ sở hạ tầng khu du lịch, resort và khu nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, tại khu vực phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết), nơi được coi là “thủ phủ” resort của Việt Nam, cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biển xâm thực.
Địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, trong đó, xây dựng các công trình kè chống xói lở dọc bờ biển được xem là giải pháp căn cơ, mang tính bền vững lâu dài. Theo dự án Quy hoạch công trình chống xói lở được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, tổng chiều dài kè bảo vệ bờ biển cần làm khoảng 117km, với tổng kinh phí ước hơn 3.500 tỷ đồng. Do nguồn vốn có hạn nên đến nay toàn tỉnh mới chỉ xây dựng được khoảng hơn 20km kè bảo vệ bờ biển và khoảng 10.000m kè tạm.
Việc chống sạt lở bờ biển tại một số địa bàn vẫn còn manh mún, tự phát. Chẳng hạn như tại phường Hàm Tiến, hơn 10 cơ sở du lịch đã tự gia cố, xây bờ kè chắn sóng, nhất là bờ kè hình chữ T lấn ra biển, nhưng không gửi hồ sơ thiết kế đến sở chuyên ngành thẩm định, không xin phép xây dựng theo quy định. Việc các ngành chức năng không quản lý được đã dẫn đến không đồng bộ, không phù hợp theo quy hoạch, làm ảnh hưởng đến các khu du lịch kế bên và ảnh hưởng mỹ quan khu vực ven biển.
Do vậy về lâu dài, UBND tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kè kiên cố bảo vệ bờ biển, thay thế dần các kè tạm kém hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh huy động nguồn kinh phí, nhân lực của các doanh nghiệp có công trình ven biển bị ảnh hưởng để chung tay bảo vệ bờ biển, nhưng phải đảm bảo các giải pháp kết cấu, an toàn và mỹ quan để từ đó góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống kè bảo vệ bờ biển, đảm bảo an toàn đường bờ, giữ đất, bảo vệ các khu dân cư.