LTS: Ngày 8-12, Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng thông tin về củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở. Được xem là một trong “2 mũi giáp công” đặc biệt trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, thế nhưng y tế cơ sở lại đang tồn tại những bất cập dai dẳng khi nhân lực vừa thiếu lại yếu. Để bịt lỗ hổng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, Báo Sài Gòn Giải phóng xin tiếp tục giới thiệu ý kiến của lãnh đạo thành phố xung quanh những giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở.
* Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Huy động nguồn lực nâng chất y tế phường, xã
TPHCM rất cần củng cố và phục hồi hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế phường, xã, thị trấn. Hiện, thành phố đang xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế phường xã nhằm nâng cao năng lực cung cứng và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Trong đó, thành phố sẽ chú trọng cả về mạng lưới tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với duy trì mô hình trạm y tế lưu động, thành phố cũng huy động hệ thống y tế tư nhân, giảng viên, sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc khối ngành sức khỏe; tổ chức thiện nguyện; phòng khám và nhà thuốc tư nhân, bác sĩ gia đình, nhân viên y tế đã nghỉ hưu… tham gia hướng dẫn, tư vấn và chăm sóc F0 cách ly tại nhà, kết nối với cơ sở y tế kịp thời cấp cứu khi có dấu hiệu trở nặng.
Bước chuyển biến là TPHCM sẽ thực hiện giao chỉ tiêu số lượng người làm việc cho trạm y tế theo quy mô dân số tại phường, xã, thị trấn và tính đặc thù tại địa bàn, bảo đảm đủ nhân lực thực hiện chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu, quản lý sức khỏe người dân và phòng chống dịch tại địa phương.
Cơ chế tài chính cho hoạt động trạm y tế phường, xã, thị trấn cũng sẽ đổi mới. TPHCM cũng đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế cho TPHCM triển khai thí điểm cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế đối với phòng khám bác sĩ gia đình, chăm sóc người bệnh tại nhà… nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ngay ở cơ sở. Cùng với đó, thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại tuyến y tế cơ sở.
* ĐB LÊ MINH ĐỨC, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM: Nên bù đắp phần nào khó khăn với y tế cơ sở
Quá trình phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, tôi thấy đội ngũ cán bộ y tế cơ sở - là tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19 gặp không ít khó khăn, phải chịu sự hy sinh, mất mát, đối mặt với nguy cơ bị đe dọa sức khỏe và tính mạng khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Họ rất vất vả, nhân sự thiếu, chế độ đãi ngộ thấp.
Tôi kiến nghị TPHCM cần quan tâm hơn đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Cụ thể: tăng bổ sung định biên cho các trạm y tế phường xã thị trấn để tăng cường nhân sự cho tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, cần bổ sung, nâng cao các chính sách phụ cấp đặc thù chuyên môn như chế độ thu nhập tăng thêm và sinh hoạt phí với lực lượng y tế. Những chính sách này nhằm bù đắp phần nào những khó khăn và động viên các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
* ĐB TRẦN KIM YẾN, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Quận ủy quận 1: Cần mạnh dạn giao quyền cho địa phương
Tác động của dịch Covid-19 cho thấy, chưa khi nào ngành y tế phải gồng gánh lượng người bệnh lớn như vậy ở cùng một thời điểm. Qua đó càng cho thấy, y tế dự phòng rất quan trọng, cần được đầu tư để giúp người dân biết cách phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đối với y tế cơ sở, cả cơ sở vật chất và con người đều chưa được chú trọng. Chế độ chính sách cũng chưa đủ sức thu hút nhân viên y tế về cơ sở. Vì vậy, để đơn vị y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, cần nhiều yếu tố cộng hưởng: cơ sở vật chất, con người, chế độ chính sách.
Trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp nhân sự đối với y tế cơ sở cần linh hoạt và thích ứng với đặc thù mỗi địa phương. Thay vì quy định nhân sự trạm y tế ở phường nên mạnh dạn giao chính quyền địa phương sắp xếp nhân sự, trên tinh thần không quá số lượng định biên chung được giao của địa phương.