TS VÕ TRUNG TÍN - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Trường Đại học Luật TPHCM:
Thêm hình thức phạt bổ sung
Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi dao động từ 100.000 đến 2 triệu đồng. Mức phạt này vẫn chưa thực sự đủ mạnh để răn đe, vì nhiều người sẵn sàng nộp phạt thay vì thay đổi hành vi. Việc giám sát và xử lý vi phạm chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng “phạt cho có”. Hiện nay chưa có hình thức phạt bổ sung như buộc lao động công ích tại một số quốc gia.
Để tăng cường hiệu quả xử phạt, cần tăng mức xử phạt lên ít nhất gấp 2-3 lần so với hiện nay hoặc tăng 20%-30% mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm quy định này; đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: buộc lao động công ích, buộc người vi phạm dọn dẹp vệ sinh công cộng.
Ngoài ra, cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu; nếu gây ô nhiễm môi trường thì phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra đối với tất cả các trường hợp vi phạm (hiện nay chỉ áp dụng biện pháp này đối với một số hành vi và trên thực tế cũng rất ít áp dụng).
Ông TRẦN THƯỜNG - Ban Quản trị Chung cư Sunview, phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TPHCM:
Tạo thuận lợi để người dân bỏ rác đúng chỗ
Nhiều năm liền, TPHCM nỗ lực thực hiện chương trình vận động người dân không xả rác ra đường, xuống kênh rạch. Các tuyến đường, kênh rạch, công viên ở khu vực trung tâm thành phố đã xanh, sạch hơn; nhưng nhiều lần đi trên các tuyến đường khu vực trung tâm quận 1, quận 3 hay vào Công viên 23-9, tôi vẫn thấy còn rác, túi ni lông…
Để mọi người chấp hành nghiêm chủ trương không xả rác xuống đường, kênh rạch, ngoài các biện pháp như giáo dục nâng cao ý thức, xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác không đúng chỗ, cần phải đầu tư hạ tầng, đặt nhiều thùng rác, điểm thu gom rác nhằm tạo thuận tiện cho người dân bỏ rác đúng chỗ.
Thực tế hiện nay, trên các tuyến đường ở trung tâm thành phố, tại công viên cũng như dọc theo các tuyến kênh, số lượng thùng rác, điểm thu gom rác còn quá ít. Thế nên, để tạo dựng thành phố văn minh, hiện đại thì bên cạnh xử phạt đối tượng vi phạm, cần tạo thuận tiện cho người dân bỏ rác khi cần.
Ông VÕ VĂN QUYẾT - Giám đốc Công ty Nhựa Thuận Thiên, TPHCM:
Thùng rác phải thân thiện, gần gũi với môi trường
Để không xả rác ra đường, xuống kênh rạch thì người dân phải bỏ rác đúng chỗ. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều người, nhắc đến thùng rác công cộng là nghĩ đến ô nhiễm, mất vệ sinh, mùi hôi… Nhiều người ngại đến gần, chỉ đứng từ xa ném rác vào thùng.
Điều cần thiết hiện nay là phải thay đổi, tạo những thùng rác gần gũi với con người và thân thiện với môi trường. Những thùng rác có thiết kế đơn điệu, dễ làm bốc mùi và màu sắc đen đúa cần phải được loại bỏ, thay bằng thùng rác hiện đại, bắt mắt, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tại những nơi công cộng như đường phố khu vực trung tâm, công viên, bến tàu xe, nơi thường xuyên tập trung đông người, khách du lịch, trẻ em thì thùng rác không những cần hiện đại mà hình thức cũng phải sinh động, đẹp và thường xuyên được chùi rửa, vệ sinh sạch sẽ. Một khi đã có thùng rác gần gũi, thân thiện với môi trường thì mọi người sẽ bỏ rác vào thùng thay cho xả rác bừa bãi ra đường, kênh rạch. Thay đổi thùng rác ở nơi công cộng tuy nhỏ nhưng là thay đổi hết sức cần thiết, góp phần làm cho thành phố xanh, sạch, đẹp.

Ông NGUYỄN VĂN LỢI - chung cư 450 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM:
Phân bổ hợp lý điểm tập kết rác
Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, đoạn gần tòa nhà Báo SGGP, không biết tự bao giờ đã xuất hiện một bô rác. Điểm thu gom rác này tồn tại đã lâu, sát bên lối ra vào tòa nhà Báo SGGP.
Hàng ngày, những người thu gom rác phân loại rác ngay trên vỉa hè, để tràn ra đường, bít lối đi của người đi bộ. Buổi tối, xe thu gom rác đậu cả hai bên lối ra vào tòa nhà, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Không chỉ vậy, điểm thu gom rác tự phát còn là nơi dừng nghỉ của một số tài xế xe ôm, xe công nghệ và họ cũng đi vệ sinh nơi đây. Người đi bộ mỗi lần đi ngang qua phải giơ tay bịt mũi.
Thành phố không thể thiếu những điểm thu gom, phân loại rác. Tuy nhiên, để không mất vệ sinh, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, các đơn vị quản lý đô thị cần phải tổ chức, phân bổ các điểm thu gom rác thải hợp lý, không gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, pháp luật cần có những quy định nghiêm ngặt về địa điểm tập kết, xử lý rác thải.