- PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói gì về tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM trong quý 1 vừa qua?
Ông NGUYỄN VŨ HẠNH PHÚC: Một cách tổng quát, trong 3 tháng đầu năm 2020, tình hình ATGT trên địa bàn thành phố được cải thiện, các vụ tai nạn giao thông đã kéo giảm trên cả 3 mặt. Cụ thể, trong thời gian này, toàn thành phố đã xảy ra tổng cộng 653 vụ tai nạn giao thông, bao gồm cả va chạm giao thông. Các vụ tai nạn làm 125 người chết, 442 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019, tai nạn giao thông đã giảm 130 vụ, giảm 18 người chết và giảm 91 người bị thương. Trong 653 vụ tai nạn giao thông này, có 652 vụ xảy ra trên đường bộ, 1 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa nhưng không có người chết hoặc bị thương; còn giao thông đường sắt không có sự cố nào.
Trong công tác nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT, trong 3 tháng đầu năm nay, lực lượng thanh tra Sở GTVT đã phát hiện và xử lý tổng cộng 2.419 vụ vi phạm hành chính trên lãnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường thủy nội địa; tổng số tiền xử phạt hơn 9,3 tỉ đồng. Phát hiện và xử lý 843 vụ vi phạm về dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định, các xe khách tuyến cố định chạy sai hành trình, các loại phương tiện hoạt động có dấu hiệu xe dù tại các khu vực Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga, trước Khu du lịch Suối Tiên và dọc các tuyến quốc lộ. Thanh tra Sở GTVT cũng đã phát hiện và xử lý 333 vụ vi phạm liên quan đến xe quá tải.
- Tình hình ùn tắc giao thông thì sao, thưa ông ?
Trong 3 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, học sinh - sinh viên được nghỉ học, người dân hạn chế ra đường nên lưu lượng phương tiện lưu thông giảm; tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại khu vực điểm nóng sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm thành phố, các cửa ngõ ra vào thành phố không diễn biến phức tạp.
Đặc biệt trong dịp Tết Canh Tý 2020, các điểm nóng giao thông như khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, khu vực nhà ga, khu vực cửa ngõ thành phố đã được đặc biệt quan tâm. Sở GTVT đã chủ động ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT cho hai điểm nóng này. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã chủ động tăng cường điều hòa giao thông nên có lúc các phương tiện di chuyển chậm nhưng không xảy ra ùn tắc.
Về xử lý 28 điểm nóng có nguy cơ ùn tắc giao thông, đến nay các lực lượng chức năng đã đưa 6 điểm chuyển biến tốt ra khỏi danh sách, kéo số điểm nóng xuống còn 22. Sở GTVT cũng đã triển khai giải pháp xử lý kỹ thuật như cải tạo kích thước hình học, điều chỉnh giải phân cách, sắp xếp lại các làn xe, bổ sung biển báo cấm quay xe, cấm ô tô rẽ trái trong giờ cao điểm, lắp đặt giải phân cách di động, kết hợp các chốt đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt camera quan sát giao thông… Tất cả các biện pháp này đã giúp góp phần cải thiện tình hình ùn tắc giao thông đối với nhiều điểm nóng giao thông khác, như trên đường Trường Sa (quận Phú Nhuận), đường song hành phải Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức), giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh…
- Còn các điểm đen tai nạn giao thông và tình trạng đua xe trái phép đã được xử lý, chuyển biến thế nào?
Tính đến tháng 12-2019, địa bàn thành phố có 12 điểm đen tai nạn giao thông. Đến nay, có 4 điểm đen được xóa khỏi danh sách do không tiếp tục xảy ra tai nạn giao thông. Đó là giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1); giao lộ đường D2 - đường D7 (trong Khu công nghệ cao quận 9); trước số nhà 186 Phạm Văn Đồng (Thủ Đức) và giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh (huyện Bình Chánh). Trong quý 1, không phát sinh điểm đen mới, nên tổng số điểm đen tai nạn giao thông hiện là 8 điểm.
Cũng trong quý 1, không xảy ra đua xe trái phép trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, lưu thông thành đoàn, chạy xe gây mất trật tự với các tốp 20-50 xe trên một số tuyến đường như Hoàng Sa (quận 1), Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh), Xa lộ Hà Nội (quận 9), Trường Chinh (quận 12), Phạm Văn Đồng (Thủ Đức)…
- Theo ông, công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố thời gian qua còn có những khó khăn, hạn chế nào?
Ngoài việc kéo giảm cả 3 tiêu chí tai nạn giao thông thì tình hình ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, một số khu vực gần như không chuyển biến. Điều này do nhiều nguyên nhân, như mật độ xây dựng nhà ở tăng cao, số lượng phương tiện giao thông tăng, áp lực từ việc tăng dân số cơ học, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn chưa cao… Bên cạnh đó, trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gia tăng thì hệ thống hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp, cũng như chưa có biện pháp hiệu quả kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân. Bình quân mỗi ngày có 120 ô tô và 741 xe mô tô đăng ký mới.
Những vấn đề khác là tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn còn diễn ra nhiều nơi. Công tác phối hợp xử lý một số vấn đề bất cập liên quan đến hệ thống cây xanh, chiếu sáng công cộng, thoát nước… đôi lúc còn chậm, từ đó ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự ATGT.
- Có những giải pháp đáng chú ý nào sẽ được thành phố triển khai trong thời gian tới?
Ban ATGT thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới. Đó là tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 666/KH-UBATGTQG ngày 30-12-2019 của Ủy ban ATGT quốc gia về ban hành kế hoạch Năm ATGT 2020; Kế hoạch số 616/KH-BATGT ngày 21-2-2020 của Ban ATGT thành phố về thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn với chủ đề “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Tham mưu UBND TPHCM đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu bia; Nghị định 100/2019/NĐ-CP; triển khai cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai cho 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đăng ký hưởng ứng và thực hiện nghiêm không uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc và lúc nghỉ giữa giờ làm việc; không điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện của các quận huyện. Tổ chức đoàn khảo sát, làm việc với các quận huyện có tình hình phức tạp về trật tự lòng lề đường, vỉa hè hoặc có nhiều phản ánh qua báo, đài và người dân để kịp thời chấn chỉnh.