* PGS-TS LÊ THỊ KIM OANH, Trưởng Khoa Môi trường và Công nghệ sinh học, Trường Đại học Văn Lang:
Lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp
Để hạn chế tình trạng phát tán mùi hôi, rò rỉ nước thải ra môi trường ở các khu xử lý rác hiện hữu, cần thực hiện tốt công tác vận hành theo đúng quy định, đầu tư trang thiết bị che phủ bãi rác; đầu tư các hệ thống thu gom nước thải, khí thải không cho phát tán ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, không khí; thường xuyên xịt phun khử chế phẩm vi sinh để không phát tán mùi hôi.
Về lâu dài, cần có một quy hoạch tổng thể đối với công tác xử lý chất thải. Khi các địa phương quy hoạch các bãi xử lý rác cần tính toán kỹ các yếu tố thiên nhiên (hướng gió), vị trí xây dựng cách xa khu dân cư, đặc biệt cần có đánh giá tác động môi trường đầy đủ nhất.
Còn đối với đầu tư công nghệ xử lý (đốt rác phát điện, làm phân compos, tái chế) thì các địa phương phải nắm kỹ tình hình thực tế ở địa phương, xem công nghệ nào là phù hợp, không nên đầu tư theo kiểu “bắt chước” (thấy tỉnh kia đầu tư công nghệ đốt rác phát điện, mình cũng đầu tư theo trong khi điều kiện tự nhiên, kinh tế của địa phương không phù hợp...).
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Lựa chọn công nghệ phù hợp vừa giúp tiết kiệm ngân sách vừa đảm bảo yêu cầu của địa phương trong vấn đề xử lý rác. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát quá trình vận hành ở các khu xử lý rác cũng cần được làm tốt hơn, vì cho dù có đầu tư công nghệ hiện đại mà người vận hành không làm đúng quy định, không làm hết trách nhiệm thì các sự cố cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
* GS LÊ HUY BÁ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM:
Đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn
Sở dĩ các khu xử lý rác vẫn đang có tình trạng phát tán mùi hôi, nước rò rỉ ra môi trường xung quanh, thậm chí có những thời điểm các bãi rác bị quá tải, nguyên nhân có thể là do khâu quy hoạch không phù hợp ngay từ ban đầu; các đánh giá tác động môi trường chưa thực sự rõ ràng; lựa chọn công nghệ, phương án xử lý không phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Hiện nay, rác thải ở các đô thị nói riêng và cả nước nói chung đều chưa được phân loại. Khi các đơn vị gom đổ về các bãi chứa để chờ xử lý, trong quá trình phân hủy không thể tránh khỏi có mùi hôi phát tán; do vậy, giải pháp trước mắt để giảm mùi hôi ở các khu xử lý rác hiện hữu là cần tăng cường công tác phun xịt chế phẩm vi sinh, che đậy bạt kín. Cần thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh: đào hố sâu, ở dưới có lớp vải địa chất, đổ và nén rác, sau đó phủ lớp đất và vôi lên trên.
Về lâu dài, cần có hàng cây xanh cách ly giữa khu dân cư và các khu xử lý rác. Cây xanh sẽ hấp thụ và chắn mùi hôi. Đầu tư công nghệ đốt rác phát điện cũng cần được các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng.
Song song với các giải pháp đó thì cần đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải. Rác thu gom phải được phân loại, loại nào đem đốt, loại nào đem đi tái chế, loại rác nào không thể làm gì được thì mới phải chôn lấp. Khi thực hiện tốt công tác này sẽ giảm được rất nhiều lượng rác đưa về các khu xử lý. Việc thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn không những sẽ tiết kiệm được rất nhiều diện tích đất dùng để chôn lấp rác mà còn tận dụng được nguồn nguyên liệu từ rác để phục vụ cho các quá trình khác.
* GS-TS ĐẶNG KIM CHI, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam:
Tiến tới xóa bỏ phương pháp chôn lấp
Để hạn chế những bất cập, tồn tại ở các khu xử lý rác, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khâu phân loại, thu gom cho đến xử lý. Đối với các bãi rác hiện hữu, cần có các trang thiết bị để che chắn, ngăn mùi hôi... Nếu có thể, khi rác chuyển về nên được xử lý luôn, không nên để tồn trong nhà chứa. Không dùng bãi chôn lấp hở, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Thế nhưng, nhìn chung, phương pháp chôn lấp rác dù hợp vệ sinh hay không vẫn để lại hậu quả rất nặng nề vì trong quá trình phân hủy rác, mùi hôi và khí độc luôn xuất hiện mà không có biện pháp kỹ thuật nào có thể ngăn chặn hoàn toàn. Chưa kể, cứ chôn lấp tất cả rác như hiện nay thì vừa rất tốn quỹ đất vừa tạo nguy cơ gây ô nhiễm cho môi trường đất, nước.
Ở Việt Nam đang có một số nhà máy đốt rác, nhưng nhiều nơi dùng công nghệ không phù hợp. Đốt rác mà không thu hồi, tận dụng nhiệt thì nhiệt, khói, bụi từ việc đốt rác sẽ tỏa ra môi trường, gây ô nhiễm không khí. Do vậy, yêu cầu đối với tất cả các nhà máy đốt rác là phải có hệ thống xử lý khí đi kèm.
Công nghệ đốt rác phát điện được xem là một xu hướng, và được nhiều nước lựa chọn. Việt Nam cũng đang định hướng theo con đường này, tuy vậy, công nghệ trên chỉ phù hợp ở các khu vực có lượng rác lớn và nhiệt trị của rác phải cao. Tóm lại, muốn lựa chọn công nghệ xử lý nào thì chúng ta cũng phải xem xét phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng loại rác.