Phối hợp tuyên truyền, vận động trám lấp giếng khoan
Giữa tháng 6-2022, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa thực hiện ký kết liên tịch với UBND quận Tân Phú (TPHCM) phối hợp tổ chức vận động người dân hạn chế sử dụng nước ngầm, trám lấp giếng khoan, giảm hóa đơn có chỉ số tiêu thụ 0-4m³ và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội chăm lo cho người dân trên địa bàn quận. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Giải pháp phối hợp tuyên truyền vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy trên địa bàn TPHCM năm 2022” do tổng công ty triển khai thực hiện.
Sau lễ ký kết, ngành cấp nước TPHCM và quận Tân Phú tổ chức trám lấp giếng khoan đã ngừng khai thác hoặc cải tạo các trạm giếng dự phòng, các trang thiết bị kỹ thuật trên hệ thống nhằm đảm bảo cấp nước an toàn. Các chủ nhà trọ trên địa bàn quận cũng ký cam kết đăng ký định mức nước cho người lao động bằng mã định danh. Dịp này, Đoàn Thanh niên Cấp nước Tân Hòa cũng ra quân đến từng gia đình để tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước sạch, hạn chế khai thác nước ngầm, trám lấp giếng khoan; tuyên truyền nguy cơ, tác hại của việc khai thác nước ngầm không kiểm soát.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, ngoài quận Tân Phú, SAWACO cũng phối hợp với các địa phương, đơn vị để thực hiện “Giải pháp phối hợp tuyên truyền vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy trên địa bàn TPHCM năm 2022”. Nhất là các khu vực vùng ven, người dân vốn dĩ có thói quen dùng nước giếng khoan từ lâu nay. Ngành cấp nước thành phố chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt tại các địa bàn quận, huyện có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm để tổ chức nhiều buổi vận động người dân sử dụng nước máy sạch, hạn chế khai thác nước ngầm nhằm đảm bảo an toàn.
Ngành nước thành phố ký kết với địa phương để vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm |
Không chỉ vậy, để giúp người dân hiểu hơn về tác hại của việc khai thác quá mức nước ngầm, SAWACO còn phối hợp với các báo tổ chức tọa đàm “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn”, “Đảm bảo nguồn cung nước sạch - Hạn chế khai thác nước ngầm”. Đồng thời phối hợp cùng Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ Trẻ (Thành đoàn TPHCM) tổ chức chuỗi hoạt động tuyên truyền “Sử dụng nước sạch và hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn TPHCM” từ tháng 4 đến tháng 9-2022 tại các khu vực quận 12, Tân Phú, Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn đến hàng ngàn học sinh, sinh viên.
Thông qua các buổi tọa đàm, ký kết tuyên truyền đã tạo cầu nối để các sở, ban ngành, nhà khoa học, chuyên gia môi trường, luật sư, bác sĩ cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước về lãnh vực môi trường đô thị… phân tích và đưa ra những giải pháp giảm khai thác nước ngầm hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân tại TPHCM. Ngoài ra, SAWACO còn phối hợp các báo, đài tuyên truyền bằng các bài viết, phóng sự, hình ảnh cụ thể. Qua đó, giúp người dân hiểu hơn về nguồn nước ngầm, việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ có những tác hại ra sao đến cuộc sống, gây ra sự ô nhiễm nguồn nước ngầm như hiện nay.
Tính đến ngày 17-3, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3 nhận được 65 hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng từ 7 lĩnh vực. Riêng lĩnh vực 4 (truyền thông) có 3 hồ sơ tham gia, trong đó có công trình “Giải pháp phối hợp tuyên truyền vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy trên địa bàn TPHCM năm 2022” do Phòng Hợp tác truyền thông SAWACO gửi tham gia. Đây là công trình đã mang lại nhiều lợi ích cho xã hội cũng như thực hiện chủ trương của thành phố “đảm bảo 100% người dân được sử dụng nước sạch”.
Xây dựng thói quen sử dụng nước sạch
Chính nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, công tác vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy cho người dân đã đạt được một số tín hiệu tích cực.
Vốn quen sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khoan của gia đình mấy chục năm nay, nên dù đã được lắp đồng hồ nước và nước sạch đã kéo đến nhà nhưng các thành viên trong gia đình bà Trần Thị Ngà (ngụ quận Tân Phú) vẫn sử dụng nước giếng khoan. Chỉ khi nấu ăn, bà Ngà mới dùng nước máy từ chiếc vòi ngay gần bếp. Cho nên, đồng hồ nước của gia đình bà Ngà chỉ dừng ở 2-3m³ nước hàng tháng. Tuy nhiên, 2 tháng sau khi được chính quyền và ngành nước vận động, phân tích các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe do nguồn nước ngầm đang dần ô nhiễm, cũng như vấn đề sụt lún do khai thác quá mức nguồn nước ngầm, bà Ngà chủ động liên hệ đơn vị cấp nước để xin trám lấp giếng khoan của gia đình. Bà Ngà cho biết, trám cái giếng đi bà cũng tiếc vì hàng tháng gia đình cũng đỡ một phần tiền nước, nhưng nghĩ đến lợi ích chung và sức khỏe của gia đình nên bà quyết định chỉ sử dụng nước máy.
Không chỉ gia đình bà Ngà, nhiều hộ dân tại TPHCM cũng đã tham gia để cùng ngành nước và chính quyền địa phương thực hiện trám lấp giếng khoan sau khi hiểu những tác hại đến sức khỏe bản thân và cộng đồng. Chính việc phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, năm 2022, SAWACO dự kiến giảm tổng lượng khai thác nước ngầm xuống mức 62.300m³/ngày và giúp người dân có thói quen sử dụng nước sạch.
Bên cạnh đó, cuối năm 2022, UBND TPHCM đã ban hành danh mục, bản đồ phân vùng, hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn, qua đó làm cơ sở để đơn vị cấp nước và chính quyền địa phương quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác nước ngầm, bảo vệ nguồn tài nguyên. Theo đại diện các đơn vị cấp nước khu vực vùng ven, việc thành phố ban hành quy định về danh mục, bản đồ phân vùng, hạn chế khai thác nước ngầm chính là cơ sở để các đơn vị quản lý cấp nước rà soát những vùng hạn chế khai thác nước ngầm, qua đó phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân sử dụng nước máy qua đồng hồ. Đặc biệt, đối với những khu vực ô nhiễm (nghĩa trang, bãi rác), kiên quyết yêu cầu khách hàng trám lấp giếng nếu sử dụng song song cả 2 hệ thống (nước máy và nước giếng khoan) nhằm bảo đảm sức khỏe của người dân.
Hiện nay, SAWACO đang nỗ lực thực hiện chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm trên địa bàn TPHCM. Hoạt động góp phần điều chỉnh quy hoạch tổng thể cấp nước thành phố, đảm bảo cấp nước an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay. SAWACO đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm. Trong đó, nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m³/ngày lên 2,9 triệu m3/ngày, giảm tỷ lệ thất thoát nước còn 17,9%.
Theo bà Dương Hồng Phương, Trưởng phòng Hợp tác truyền thông SAWACO, việc đơn vị đăng ký tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3 nhằm mong muốn có thêm kênh truyền thông về chiến dịch tuyên truyền, vận động hạn chế khai thác nước ngầm, giúp người dân hiểu về tác hại của việc khai thác nước ngầm quá mức như hiện nay. Thực tế, điểm sáng tạo của giải pháp chính là thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp tuyên truyền kết hợp đa dạng kênh truyền thông nhằm tạo sản phẩm dễ tiếp cận đến nhiều đối tượng. “Tham gia giải thưởng này, chúng tôi mong rằng cộng đồng biết đến những nỗ lực của ngành nước trong công tác phục vụ cấp nước cho người dân thành phố. Ngoài ra, chúng tôi mong giải pháp được ghi nhận và nhân rộng, để nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay bảo vệ môi trường sống. Từ đó góp phần nâng cao sức khỏe người dân thông qua việc sử dụng nước sạch thay cho nguồn nước ngầm, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố”, bà Dương Hồng Phương bày tỏ.