Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết, thị trường tái chế ở Việt Nam nhìn chung còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có công nghệ tái chế phù hợp, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa; công tác phân loại nguồn cũng chưa đồng bộ… Nếu khắc phục được các nguyên nhân này thì tiềm năng tái chế chất thải ở Việt Nam là rất lớn, mang lại nguồn tài nguyên quý giá.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN-MT cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải.
Trong 3 năm qua, Hiệp hội đã thúc đẩy nhiều hoạt động vì cộng đồng và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường, là giám khảo một số giải thưởng doanh nghiệp xanh, cuộc thi về giải pháp môi trường. Đặc biệt, Hiệp hội khởi động chương trình Văn hóa tái chế học đường năm học 2023–2024 với sự đồng hành của Unilever Việt Nam, hội viên của Hiệp hội, và nhiều tổ chức. Chương trình đã diễn ra sôi nổi tại 10 điểm trường thuộc quận 7, quận 8, TPHCM, thu hút hơn 10.000 học sinh tham gia, với hơn 1.000 sản phẩm dự thi sáng tạo. Hiệp hội đã trao hơn 3.000 phần quà, và thu về hơn 2 tấn chất thải tái chế tại sự kiện.