Bạn đọc mong mỏi việc hiện đại hóa căn cước công dân (CCCD) sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Các em học sinh được cán bộ công an hướng dẫn làm CCCD gắn chip. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Ông HOÀNG LÊ MINH (Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng): Bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân
Khác với chứng minh nhân dân, CCCD tích hợp được nhiều thông tin, rất tiện trong quá trình xử lý các thủ tục giấy tờ cá nhân, mức độ chính xác cũng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc sử dụng căn cước công dân gắn chip khi giao dịch hành chính vẫn còn rất nhiều bất cập. Mặc dù trên đó đã tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân nhưng khi người dân đi làm các thủ tục hành chính, nhiều nơi vẫn đòi hỏi giấy xác nhận cư trú, sổ hộ khẩu. Điều này gây mất nhiều thời gian của người dân. Đặc biệt, người dân không thể kiểm chứng được mức độ an toàn khi giao dịch hành chính bằng CCCD gắn chip, thông tin tích hợp càng nhiều thì nguy hiểm về mặt an toàn thông tin càng cao. Vì vậy, việc sửa đổi Luật CCCD lần này cần hướng đến bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân để người dân an tâm hơn.
Ông NGUYỄN VĂN TÂN (Quận Bình Thạnh, TPHCM): Quy định rõ thông tin tự nguyện và bắt buộc tích hợp
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay khi sửa đổi Luật CCCD là bổ sung quy định về việc tích hợp các thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân vào thẻ CCCD như: Thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành sau khi thống nhất với Bộ Công an. Tuy nhiên, người dân cần được làm rõ tiêu chí để tích hợp thông tin vào thẻ CCCD, thông tin nào bắt buộc, thông tin nào công dân tự nguyện tích hợp. Nếu thẻ CCCD là một chiếc ví thông tin, tích hợp nhiều thông tin thì rủi ro cho công dân càng lớn. Để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trong tình trạng dễ bị lộ lọt như hiện nay, CCCD chỉ là hình thức thể hiện, là chìa khóa để đi vào kho dữ liệu, cốt lõi vẫn là việc xây dựng, khai thác, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về CCCD của các bộ, ngành liên quan.
Bà MAI THỊ HOA (Phường An Tây, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế): Thuận lợi
trong khám chữa bệnh
Do mắc bệnh suy thận nên trước đây một tháng 2 lần, tôi phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh và xuất trình CMND để đến Bệnh viện Trung ương Huế kiểm tra lại thông tin và nhận diện ảnh trước khi nhập viện để chạy thận. Sau khi Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để sử dụng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh, giờ đây tôi chỉ cần đưa CCCD có gắn chíp cho nhân viên y tế là nhanh chóng được khám bệnh. Thay vì mất 5 phút đối chiếu và nhập tay các thông tin cá nhân, nay tôi chỉ đưa CCCD cho nhân viên y tế quét tầm 1 phút là xong, giảm nguy cơ lây nhiễm trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.
Bà TRẦN THỊ DIỆU HÒA (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau): Nhiều tiện ích cần thiết
Theo tìm hiểu, trước đây để đăng ký kết hôn phải cần sổ hộ khẩu, về UBND xã, phường nơi sinh sống để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, sổ hộ khẩu ít sử dụng đến nên khi cần làm thủ tục hành chính nào đó phải về nhà tìm lại, hoặc phải chứng thực, sao y bản chính. Nhưng lúc có CCCD, khi đăng ký kết hôn thì chỉ cần nộp CCCD vào bộ phận một cửa của UBND xã chứ không cần sổ hộ khẩu như trước đây. Sau 3 ngày đến nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, rất tiện lợi, nhanh gọn. Ngoài ra, bảo hiểm y tế giờ còn được tích hợp luôn trong CCCD, nên khi đến bệnh viện để khám bệnh chỉ cần đưa CCCD.