Phục hồi nhưng chưa rõ nét
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước tăng 9,4%, nhưng chủ yếu đến từ mảng dịch vụ. Điều này cho thấy ngành bán lẻ có phục hồi nhưng chưa thực sự rõ nét.
Cụ thể, với TPHCM, theo báo cáo của Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 578.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, mức tăng này vẫn chưa đạt so với giai đoạn trước dịch Covid-19, cho thấy sự tăng trưởng chưa bền vững và hiệu quả như mong muốn.
“Ngành thương mại vẫn còn những điểm dừng khó khăn, các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại bị chững lại, nếu trừ đi mức trượt giá thì sản lượng phân phối ngang bằng hoặc thấp hơn cùng kỳ”, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết. Theo ông Đức, người tiêu dùng đang mua sắm tiết kiệm hơn và xu hướng tiêu dùng thay đổi. Sau những khó khăn toàn cầu, cơ cấu hàng hóa thay đổi theo hướng tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng thiết yếu, có giá trị thấp thay cho hàng hóa có giá trị cao. Trong những nghiên cứu gần đây của các công ty tư vấn, khảo sát thị trường và các tổ chức phi chính phủ cũng chỉ ra rằng, dưới tác động của làn sóng cắt giảm lao động, cắt giảm tiền lương mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện từ đầu năm đến nay đã khiến thu nhập của người dân giảm, kéo theo chi tiêu cũng thận trọng hơn.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Anh Đức, từ đầu năm tới nay rất nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng đã được Chính phủ đưa ra như giảm thuế VAT 2%, giảm lãi suất… nhưng vẫn chưa đủ mạnh; thực tế các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bán lẻ vẫn phải “tự vận động” để thích ứng với thị trường. Cụ thể, các doanh nghiệp tự nhận định thị trường và cơ cấu về nguồn hàng sao cho phù hợp với xu hướng chi tiêu tiết kiệm của người tiêu dùng.
Đồng thời, trong bối cảnh hàng tiêu dùng ngoại có xu hướng đổ bộ vào thị trường Việt Nam, sản phẩm của doanh nghiệp Việt cũng phải có sự đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng cạnh tranh hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đón đầu các xu thế phát triển bền vững bằng việc chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh theo cách đơn giản nhất, phù hợp với nguồn tài chính của mình. Tuy vậy, các doanh nghiệp chưa có sự đầu tư chuyên sâu, chưa ưu tiên đầu tư cho dài hạn, bởi lúc này điều quan trọng nhất là bảo đảm sự tồn tại.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, ngành bán lẻ có quy mô khoảng 140 tỷ USD và tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước. Đặc biệt phải tăng cường kiểm soát công tác bình ổn giá, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm giả hoặc tăng giá cục bộ ở một số mặt hàng. Cùng với đó, cần tập trung giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong sản xuất kinh doanh như đẩy nhanh hoàn thuế, giảm thuế giá trị gia tăng… để gỡ khó cho doanh nghiệp. “Các chính sách sau giai đoạn dịch Covid-19 như giảm 2% thuế VAT cần tập trung vào doanh nghiệp nhiều hơn để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển”, ông Nguyễn Anh Đức đề xuất.
Ở khía cạnh khác, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng và nâng cao chất lượng hàng hóa, thực hiện nghiêm các biện pháp về kiểm dịch an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói đối với hàng thực phẩm, nông, thủy sản theo quy định của thị trường. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm để không những duy trì thị phần trong nước mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngành chức năng cần sớm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistics để bảo quản và vận chuyển các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Mặt khác, gia tăng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại đi nước ngoài tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế theo các chuyên ngành... Những chính sách này cần có sự hoạch định, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn.
Ngoài ra, cần quy hoạch tổng thể lại cung - cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. Và để làm được những điều này, cần bàn tay vĩ mô nhằm cấu trúc lại, giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.