Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý 2 sẽ có trên 250.000 lao động trong DN bị mất việc làm, hàng triệu lao động bị ngừng việc...
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đã gần hết quý 1, tuy chưa thể đánh giá được thật đầy đủ, nhưng cũng không khó để nhận thấy những tác động không nhỏ của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội. Làm thế nào để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đến việc làm, đời sống của người lao động? Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận:

Theo thống kê từ Bộ LĐTB-XH, từ đầu năm đến nay đã có 16.200 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019); 10% số DN phải cắt giảm quy mô sản xuất. Khi dịch có diễn biến phức tạp, ước tính có trên 15% số DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh (tập trung vào các lĩnh vực dệt may; dịch vụ vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải; dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; xuất khẩu hàng nông, thủy sản). 

Kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 DN (phần lớn là DN vừa và nhỏ) của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng về ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài đến 6 tháng thì tỷ lệ DN có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm 20%-50%, chiếm gần 29%. Gần 74% số DN trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, trả lãi vay ngân hàng…

* Phóng viên: Tình hình khó khăn như thế thì việc phải cắt giảm lao động gần như là không tránh khỏi?

 - Ông BÙI SỸ LỢI: Đáng tiếc, đúng là như thế. Gần 39% số DN được khảo sát đã thực hiện cắt giảm lao động, gần 21% số DN đang sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhưng cũng rất khó; gần 4% số DN thực hiện ngừng kinh doanh; khoảng 4% số DN cho người lao động nghỉ không lương.

Trong tháng 2 số người thất nghiệp trong cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 47.100 người, tăng 63,26% so với tháng 1 (khoảng 29.800 người). Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý 2 sẽ có trên 250.000 lao động trong DN bị mất việc làm, hàng triệu lao động bị ngừng việc; nếu dịch bùng phát mạnh hơn sẽ có 350.000-400.000 lao động trong DN bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu có nguy cơ bị ngừng việc. 

* Làm sao để tạo ra “lưới đỡ” hiệu quả cho người lao động và không để các DN phải rơi vào tình cảnh phá sản, thưa ông? 

 - Vừa qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ DN và người lao động. Trong đó, để góp phần giúp các DN, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn - không chỉ trong việc trả lương mà cả trong việc đóng, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn 860/BHXH-BT ngày 17-3-2020 về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tất nhiên, đây mới chỉ là một trong nhiều giải pháp trước mắt. Tôi nghĩ để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này thì không chỉ Chính phủ đâu, mà cả Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải vào cuộc, toàn xã hội phải đồng lòng… Trên cơ sở đánh giá các tác động sơ bộ, ủy ban chúng tôi cũng đã nêu thêm một số khuyến nghị mang tính lâu dài hơn. 

* Cụ thể là gì, thưa ông?

 - Với Chính phủ, đó là việc chỉ đạo các cơ quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống làm việc trực tuyến phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Các bộ ngành cũng cần sớm nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản pháp luật để có những đề xuất kịp thời trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật phù hợp, có liên quan đến phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và DN (như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật BHXH; Luật Việc làm; Luật Dự trữ quốc gia; Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp…) và phổ biến kịp thời những bài học, kinh nghiệm trong quá trình phòng chống dịch; đúc kết thành cẩm nang phòng chống, ứng phó dịch bệnh trong tương lai. Đặc biệt, cần chú trọng hướng dẫn phòng chống dịch bệnh đối với đối tượng yếu thế, người cao tuổi, người khuyết tật.  

Về phía Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đề xuất dành ưu tiên áp dụng các quy trình rút gọn đối với các dự án luật có liên quan đến trường hợp khẩn cấp khi ứng phó và phòng chống dịch bệnh để kịp thời đi vào cuộc sống.

Trong lĩnh vực được phân công của mình, chúng tôi cho rằng cần phân bổ, điều chỉnh ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế cả trung hạn và dài hạn để tăng cường năng lực, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác y tế dự phòng nói riêng.

Một vấn đề nữa tôi muốn nhấn mạnh ở đây là danh mục dự trữ quốc gia hiện nay mới chỉ có thuốc phòng chống dịch bệnh mà chưa có một số trang thiết bị, vật tư y tế, đồ bảo hộ thiết yếu phục vụ phòng chống dịch. Nếu dịch lan rộng, số người mắc nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và có nguy cơ lây nhiễm đối với đội ngũ cán bộ y tế.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện khó khăn trong việc đặt mua các thiết bị y tế như máy thở, máy xét nghiệm, máy X-quang, kit kiểm tra xét nghiệm virus SARS-CoV-2… do nguồn cung khan hiếm và giá bị đẩy lên cao. Do đó, rất cần rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế, đồ bảo hộ thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch; công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc dịch bệnh vào danh mục dự trữ quốc gia.

Tin cùng chuyên mục