Đây là nhóm đối tượng mới tham gia BHXH nên các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều lúng túng trong việc xác định người nào phải đóng, người nào không; ai chi tiền đóng BHXH - doanh nghiệp hay người lao động?
Nhận lương 2 đầu, có phải đóng BHXH không?
Công ty TNHH Trung tâm Kỹ thuật Topia Việt Nam (quận 1) có lao động NNN di chuyển nội bộ. Người lao động này đã được Sở LĐTB-XH TPHCM cấp giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do di chuyển nội bộ doanh nghiệp (DN) thuộc 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cụ thể thuộc các dịch vụ tư vấn kỹ thuật. Theo quy chế của công ty mẹ, lao động NNN được nhận lương từ 2 nguồn, trả bởi công ty mẹ tại Nhật Bản và lương trả bởi Công ty TNHH Trung tâm Kỹ thuật Topia Việt Nam. Người lao động này có ký hợp đồng lao động với Công ty TNHH Trung tâm Kỹ thuật Topia Việt Nam để được nhận lương từ công ty. Công ty xác định người lao động này không thuộc đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên, vì Nghị định 143/2018 không quy định về vấn đề hưởng lương của người lao động nước ngoài, nên công ty lại không chắc chắn người này không thuộc đối tượng tham gia BHXH.
Trong khi đó, Công ty TNHH Xây dựng phát triển Việt Nam (quận 1) có lao động NNN là quản lý, làm việc từ tháng 4-2018, lương 9.200USD/tháng theo hợp đồng làm việc. Công ty chưa rõ nghĩa vụ về BHXH bắt buộc với lao động NNN ra sao? Trường Cao đẳng Viễn Đông (quận 12) băn khoăn trong việc đóng BHXH cho lao động NNN, nếu có giấy phép lao động và không có giấy phép lao động, thì đóng như thế nào? Có bắt buộc phải đóng tất cả các loại bảo hiểm hay chỉ đóng BHXH? Lao động NNN đã hưởng lương hưu vẫn đi làm thì có phải đóng BHXH không? Công ty CEVC (quận 7) có 2 nam giới người nước ngoài, đều trên 60 tuổi, trước giờ đều đóng bảo hiểm y tế đầy đủ cho 2 người này. Song, công ty cũng chưa rõ có đóng BHXH không, cần giấy tờ gì để chứng minh không phải đóng?
Hiện nay, rất nhiều DN cũng băn khoăn về mức đóng, tiền lương đóng BHXH cho lao động người nước ngoài, bởi họ hưởng lương rất cao, tính theo USD và tương đương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng? Trong việc đóng BHXH, các DN cũng gặp khó khăn khi xác định khoản nào thuộc nghĩa vụ của DN phải đóng cho lao động NNN, khoản nào lao động NNN tự đóng và tỷ lệ bao nhiêu? Nhiều trường hợp phức tạp như lao động NNN có thư bổ nhiệm làm giám đốc tại Việt Nam, song lại đóng BHXH ở nước ngoài và cũng hưởng lương ở Việt Nam, cũng có giấy phép lao động. Vậy trường hợp có thư bổ nhiệm thì có phải đóng BHXH bắt buộc ở Việt Nam không?
DN bỏ tiền đóng
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, trên địa bàn TPHCM có gần 10.000 lao động NNN, chiếm khoảng 1/9 tổng số lao động NNN đang làm việc tại Việt Nam. Lao động NNN đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước châu Âu… Lao động NNN là đối tượng hoàn toàn mới tham gia BHXH nên Sở LĐTB-XH phối hợp với BHXH TPHCM và các cơ quan liên quan rà soát đối tượng và tạo điều kiện thuận lợi để DN thực hiện nghĩa vụ với lao động NNN về BHXH.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho hay lao động NNN thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2018, song đến tháng 12-2018, Nghị định 143/2018 mới có hiệu lực và đó cũng là thời điểm cơ quan BHXH bắt đầu thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với lao động NNN. Như vậy, DN không phải đóng BHXH đối với lao động NNN cho giai đoạn trước đó - 11 tháng đầu năm 2018. Về đối tượng đóng, Phó Giám đốc BHXH TPHCM phân tích, lao động NNN làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Cũng có nhiều trường hợp không phải đóng BHXH. Người lao động di chuyển trong nội bộ DN không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Cụ thể là, lao động NNN di chuyển trong nội bộ DN là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một DN nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ DN sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được DN nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng. Trường hợp có thư bổ nhiệm, không có giấy phép lao động thì không đóng BHXH bắt buộc. Với lao động NNN lớn tuổi, bà Nguyễn Thị Thu cho hay, người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu thì không đóng BHXH, nhưng phải đóng BHYT nếu giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên hoặc làm việc với chức danh quản lý và có hưởng tiền lương.
Việc đóng BHXH cho lao động NNN được thực hiện theo 2 giai đoạn. Từ ngày 1-12-2018, người sử dụng lao động hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Kể từ ngày 1-1-2022, ngoài mức đóng trên thì hàng tháng người sử dụng lao động đóng 14%; lao động NNN làm việc tại Việt Nam đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Như vậy, trong giai đoạn đầu, DN đóng BHXH cho lao động NNN ở 3 chế độ ngắn hạn là ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Sang giai đoạn sau, DN và người lao động mới cùng đóng BHXH ở 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất.
“Lao động NNN hưởng lương rất cao, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức lương tháng làm cơ sở đóng BHXH tối đa không quá 20 lần lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay là 1,39 triệu đồng/tháng)”, bà Nguyễn Thị Thu khẳng định. |