Gỡ khó cho cảng cá
Cửa biển Sông Đốc là một trong những cửa biển lớn và sầm uất nhất ở Cà Mau, tập trung nhiều tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào neo đậu. Tại đây có cảng cá Sông Đốc quy mô lớn nhất tỉnh Cà Mau. Cảng này có khả năng tiếp nhận số lượng thủy sản khoảng 45.000 tấn/năm; có cầu tàu chính dài 100m, cầu dẫn trên 50m, khả năng tiếp nhận tàu 600CV…
Theo Ban Quản lý các cảng cá Cà Mau, cảng cá Sông Đốc đã được nâng cấp nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu. Bởi lượng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tập trung tại cửa sông này rất nhiều, kéo theo nhu cầu bốc dỡ hải sản rất lớn. Có thời điểm không thể giải phóng hết lượng hàng trong thời gian ngắn đã làm giảm chất lượng sản phẩm, tăng tỷ lệ thất thoát.
Trong khi đó, cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) sau nhiều năm sử dụng, nay đã xuống cấp và quá tải. Vì vậy, tỉnh Bạc Liêu nâng cấp, mở rộng với nguồn vốn 180 tỷ đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ 120 tỷ đồng), thời gian thực hiện từ 2017-2021. Mục tiêu hướng đến cảng cá Gành Hào đạt tiêu chuẩn loại I. Tuy nhiên, công trình này dự báo sẽ khó hoàn thành theo kế hoạch, do phát sinh nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm (điều chỉnh thiết kế, chậm giải phóng mặt bằng...). Theo Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu (đơn vị quản lý cảng cá Gành Hào), nếu cuối năm nay không hoàn thành dự án, có thể bị Trung ương rút nguồn vốn hỗ trợ.
Mới đây, sau khi khảo sát thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho cảng cá Gành Hào, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu các ngành chức năng sớm tham mưu về chủ trương điều chỉnh thiết kế; xem xét nguồn vốn bố trí cho dự án để thực hiện nhanh, nhất là bố trí vốn giải phóng mặt bằng. Ông Thiều cũng chỉ đạo khi dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Gành Hào hoàn thành phải phục vụ tốt cho hoạt động của tàu thuyền. Bởi đây là dự án góp phần đưa Bạc Liêu làm giàu từ biển, phát triển mạnh từ biển.
Cấp bách mở rộng cơ sở chế biến thủy sản
Vùng biển Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Hiện trên địa bàn có 5 cảng cá, trong đó 3 cảng cá loại II (cảng cá Cà Mau, cảng cá Sông Đốc, cảng cá Rạch Gốc) và 2 cảng cá loại III (cảng cá Cái Đôi Vàm, cảng cá Hố Gùi). Còn tại ĐBSCL, nhiều cảng cá đã và đang được xây dựng hoặc nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, thời gian qua việc quản lý, khai thác, vận hành cảng cá luôn được quan tâm. Nhờ đó, các tàu cá ra vào cảng bốc dỡ thủy hải sản, việc kiểm soát sản lượng lên bến và các vấn đề khác có nhiều chuyển biến hơn so với trước. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cảng cá và các ngành chức năng cũng tốt hơn, giúp việc giám sát sản lượng bốc dỡ khá chặt chẽ. Dù vậy, Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cũng nhìn nhận sản phẩm khai thác qua cảng chiếm tỷ lệ còn thấp. Do tập quán, ngư dân chủ yếu bán thủy sản tại các bến tự phát, tại vựa của doanh nghiệp… khiến việc kiểm soát tàu cá cập cảng, xuất cảng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ cho quản lý, vận hành cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão đang thiếu về số lượng, chất lượng nhân viên chưa cao, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế. Năng lực xếp dỡ hàng hóa tại các cảng cá cũng còn hạn chế, số lượng công nhân bốc xếp ít, xếp dỡ hàng bằng thủ công, chưa được cơ giới hóa...
Trước những tồn tại trên, ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Cà Mau, cho rằng, để phát huy hiệu quả hơn nữa các cảng cá, đơn vị đã đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch tại các cảng cá theo hướng mở rộng cơ sở chế biến thủy sản, tăng giá trị gia tăng cho hàng hải sản; đầu tư đồng bộ hạ tầng, nhất là đường kết nối vào cảng cá để phương tiện có trọng tải trên 10 tấn lưu thông thuận tiện. Ông Khải cũng đề xuất tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá; trong đó có một số cảng cá đủ tiêu chuẩn trở thành cảng cá loại I. Đồng thời, thực hiện tốt những quy định về Luật Thủy sản 2017, cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu trong khai thác và đánh bắt thủy sản…