Cơ hội mưu sinh
Anh bạn đồng nghiệp ở An Giang cho biết, muốn tìm cá linh non đầu mùa lũ thì lên TP Châu Đốc, rồi qua vùng biên giới huyện An Phú, đến xã Nhơn Hội. Mà phải đi sớm, nếu để mặt trời lên sẽ không còn cá linh, vì thương lái “gom hết cá” mang đi “bỏ mối” cho các nhà hàng ở khắp ĐBSCL.
Tờ mờ sáng, bến cá bà Chín Sương (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã rôm rả tiếng bạn hàng. Hơn 8 giờ sáng, bến cá này đã nhập hơn 120kg cá linh non từ nước bạn Campuchia chuyển sang, trong khi bạn hàng đậu xe chật cứng ở bến để chờ mua cá.
Bà Chín Sương chia sẻ, mới lũ đầu mùa nên cá linh về An Giang chưa nhiều, vì thế bạn hàng chủ yếu nhập cá từ Campuchia qua. Bà Chín Sương cho biết, khoảng một tháng nữa cá linh sẽ về nhiều theo con nước lên, lúc đó giá cá sẽ giảm. Hiện tại, giá 1kg cá linh non đầu mùa khoảng 200.000 đồng, giá hơi cao nhưng bạn hàng đều gom hết, bởi cá linh non là đặc sản nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn.
Theo các thương lái, thường thì tháng 7 âm lịch lũ bắt đầu về (còn gọi là mùa nước nổi), cá linh (món đặc sản trời ban) cũng về theo. Năm nào lũ thấp, về muộn, cá linh được thương lái ở Campuchia chở qua biên giới giao cho thương lái bên Việt Nam. “Cá linh non được chế biến thành nhiều món như kho lạt, nấu canh chua, chiên bột… ăn kèm với bông điên điển (cũng là đặc sản mùa nước nổi). Năm nào cá linh nhiều, người dân vùng biên giới còn làm món mắm cá linh - món ăn ngon nức tiếng vùng châu thổ ĐBSCL”, một tiểu thương ở chợ bà Chín Sương chia sẻ.
Ở một số chợ biên giới khác của tỉnh An Giang như Bắc Đai, Khánh An…, cá linh non được thương lái cho chạy máy tạo oxy để đưa đi tiêu thụ… ở nhiều địa phương khác. Ông Mai Văn Hợp, ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú chia sẻ, bà con mình ngóng cá linh thực ra là ngóng lũ, cá linh chỉ là một phần sản vật thiên nhiên ban tặng. Bởi lũ về, đồng ruộng sẽ được bồi đắp phù sa màu mỡ; còn chuột, lươn, rắn, ếch… cũng theo về, chứ không chỉ có mỗi cá linh.
Tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh... hiện lũ vẫn còn thấp. Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng) cho biết, dù lũ chưa về nhưng cả tuần qua, ngày nào ông cũng mang hơn chục cái lọp đi đặt. Ngoài ra, còn giăng câu thả lưới để bắt cá. “Lũ về giúp gia đình tôi và các hộ dân khó khăn vùng biên giới có thêm cái ăn, và cũng là cơ hội để mưu sinh, có thêm tiền trang trải cuộc sống”, ông Hùng tâm sự.
Chủ động sản xuất mùa lũ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên chậm. Mùa khô năm 2022, lưu vực sông Mê Công tương đối có nhiều nước. Nhờ gia tăng dòng chảy trong mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm; nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt… dồi dào. Các chuyên gia nhận định, nguồn nước về ĐBSCL trong mùa lũ năm 2022 có khả năng lớn hơn các năm gần đây; dự báo mực nước lũ ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long dao động từ báo động cấp 1 đến cấp 2; đỉnh lũ xuất hiện khoảng nữa cuối tháng 10-2022.
Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo, các vùng ngập sâu như Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên cần tranh thủ sản xuất sớm và kết thúc xuống giống vào cuối tháng 8. Còn vùng ngập nông thuộc khu vực phù sa ngọt ở sông Tiền và sông Hậu như TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang… tương đối thuận lợi cho sản xuất lúa thu đông, cần tập trung xuống giống đúng lịch thời vụ và kết thúc gieo sạ khoảng giữa tháng 8; lưu ý mực nước lũ, triều cường.
Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho hay, những năm gần đây, hệ thống cống ven biển và đê bao của tỉnh được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, do đó lũ về không còn là nỗi lo lắng, ngược lại đây là thời điểm thuận lợi để bà con khai thác thủy sản.
Ở Long An, khi lũ về, nông dân áp dụng sản xuất “lúa mùa nổi”, được doanh nghiệp hỗ trợ giống, bao tiêu với giá cao hơn lúa thường. Bình quân mỗi hécta, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 25 triệu đồng. Ông Nguyễn Lương Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng) cho biết, lúa mùa nổi sau khi gieo sạ xong khoảng 20 ngày sẽ sử dụng 1 lần phân bón kích thích cho cây phát triển, từ đó trở về sau không dùng phân thuốc, không cần chăm sóc, kết hợp nuôi cá dưới ruộng lúa để tăng thu nhập. Năm nay là năm thứ 3 địa phương trồng lúa dạng này với hơn 100ha. “Đây là mô hình sản phẩm gạo sạch. Trong tương lai, gạo mùa nổi sẽ được đăng ký sản phẩm OCOP của xã Vĩnh Đại”, ông Tuấn cho hay.
HTX Nông nghiệp dịch vụ lúa mùa nổi (xã Vĩnh Đại) được thành lập tháng 7-2022 để hỗ trợ bà con sản xuất, nhằm tạo sinh kế vào mùa nổi. Bên cạnh đó, HTX mở rộng mô hình du lịch sinh thái mùa lũ như câu cá, xây dựng điểm dừng chân để du khách thưởng thức sản vật của địa phương.
Ông Trương Văn Phú, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ lúa mùa nổi, chia sẻ: “Năm đầu bà con ít tham gia vì sợ rủi ro. Đến năm thứ 2, thấy lợi nhuận tăng cao, công chăm sóc nhẹ, hơn 30 hộ đã đăng ký tham gia. Hiện số lượng đăng ký tham gia làm lúa mùa nổi đang tăng dần. Thời gian tới, HTX sẽ liên kết nhiều hơn với các doanh nghiệp làm 1 vụ lúa mùa nổi và 2 vụ lúa chất lượng cao, nhằm tăng thu nhập cho người dân”.