Khi được hỏi về kế hoạch vụ tôm mới, ông Trần Thế Dinh (hộ nuôi tôm tại xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) ngao ngán: “Khu vực này giờ chẳng ai màng thả tôm, 10 hộ nuôi chỉ còn được 5 hộ thả giống. Thua lỗ miết, rồi nợ nần, hết vốn, bà con thà bỏ ao không chứ chưa dám vào vụ mới”.
Theo ông Dinh, giá tôm thương lái thu mua vụ rồi quá thấp, loại trên 100 con/kg chỉ được hơn 50.000 đồng/kg, loại dưới 100 con/kg thì chỉ được gần 70.000 đồng/kg. Trong khi trung bình mỗi tấn tôm cần đến 1,1 tấn thức ăn, với giá gần 50 triệu đồng (nếu mua thiếu), khoảng 40 triệu đồng (nếu mua tiền mặt), chưa kể tiền thuốc men, tiền điện, tiền thuê đất (nếu là đất mướn), rồi dịch bệnh… Do đó, người nuôi chỉ từ lỗ tới lỗ!
Trong khi đó, nông dân Phan Văn Quẹo (ngụ huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết, bệnh phân trắng trên tôm những ngày qua khiến nhiều hộ nuôi tôm công nghệ cao đứng ngồi không yên, tôm mới thả bị dịch bệnh chết hết. Hiện nhiều nông dân phải xử lý lại ao nuôi. Từ đầu tháng 9-2024 đến nay, tình trạng “treo ao” đang diễn ra đối với nhiều hộ nuôi tôm tại các địa phương ở ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… Phần lớn nguyên nhân là do giá tôm nguyên liệu biến động mạnh, trong khi chi phí cho con giống, thức ăn, thuốc luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, phần vì lỗ, hết vốn liếng từ vụ trước, cộng với tình hình dịch bệnh ở tôm diễn biến phức tạp, khiến các hộ nuôi e ngại đầu tư cho vụ mới.
Thương lái Huỳnh Phú Cường (chuyên cung cấp tôm nguyên liệu cho nhà máy chế biến tôm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg có giá là 170.000 đồng/kg; 50 con/kg có giá 122.000 đồng/kg; 100 con/kg có giá 93.000 đồng/kg… Giá này cao hơn so với cùng thời điểm năm trước và người nuôi có lợi nhuận. Nhưng hiện nay người dân không có nhiều tôm để bán. Nguyên nhân, do giá tôm xuống thấp thời gian dài nên nhiều người treo ao.
Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tại các địa phương ĐBSCL cũng đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Một doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu trên địa bàn TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Hiện đang vào mùa cao điểm sản xuất phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, thế nhưng nguồn tôm nguyên liệu thiếu nên doanh nghiệp gặp khó.
Các địa phương ở miền Tây đang đưa ra những hướng dẫn cần thiết để nông dân chủ động đối phó với thời tiết bất thường và phòng ngừa dịch bệnh như: thiết kế ao nuôi theo mô hình ương nuôi nhiều giai đoạn, có tuần hoàn nước, lót bạt có hố xi phông đáy ao; chọn con giống ở cơ sở có uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc, cơ sở rõ ràng, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, con giống có giấy kiểm dịch và phải xét nghiệm sạch bệnh.
Theo ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, địa phương đang hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tập trung, liên kết phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ sạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho mặt hàng tôm. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới, các dòng sản phẩm chế biến sâu vào các thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm; tuân thủ các quy định tại các thị trường xuất khẩu… Đây cũng là mục tiêu chung của ngành thủy sản, trong đó có ngành hàng tôm của ĐBSCL.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ.