Đồng bằng sông Cửu Long: Lúa ế, giá thấp

Giá lúa hè thu loại tốt ở ĐBSCL đã tụt xuống chỉ còn 3.500 - 3.800 đồng/kg. Nhiều nông dân cho biết, mức giá này tương đương với giá thành sản xuất, coi như lỗ vốn nhưng muốn bán cũng chẳng ai mua. Thêm một mùa lúa ế ẩm và việc tiêu thụ lúa gạo lại bộc lộ nhiều hạn chế.Căng như dây đàn
Đồng bằng sông Cửu Long: Lúa ế, giá thấp

Giá lúa hè thu loại tốt ở ĐBSCL đã tụt xuống chỉ còn 3.500 - 3.800 đồng/kg. Nhiều nông dân cho biết, mức giá này tương đương với giá thành sản xuất, coi như lỗ vốn nhưng muốn bán cũng chẳng ai mua. Thêm một mùa lúa ế ẩm và việc tiêu thụ lúa gạo lại bộc lộ nhiều hạn chế.

Căng như dây đàn

Những ngày này nông dân 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp bước vào thu hoạch rộ vụ hè thu, đi đâu cũng thấy lúa chất đầy đồng, lúa tràn ra bờ kênh nhưng thương lái mua rất ít. Ông Nguyễn Văn Tòng, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết: “3ha vừa thu hoạch xong được hơn 16 tấn, cao hơn năm rồi khoảng 2 tấn. Dù trúng mùa nhưng chẳng vui tí nào bởi kêu bán hổng ai mua”.

Theo báo cáo của UBND xã Hòa Bình, giá lúa thường hiện chỉ còn 3.400 đồng/kg; lúa tươi 2.500 - 2.600 đồng/kg… Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay nhưng rất khó bán.

Bà Phạm Thị Hòa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, thừa nhận: Tình hình tiêu thụ lúa hè thu đang căng như dây đàn. Hiện thời nông dân các huyện Thoại Sơn, An Phú, Châu Thành, Châu Phú… thu hoạch 232.000ha lúa hè thu. Sản lượng lúa tăng từng ngày, trong khi giá lúa lại diễn ra theo chiều hướng trái ngược.

Tại Tiền Giang, hơn 40.000ha lúa hè thu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước vừa thu hoạch xong. Nông dân kêu bán lúa dài loại tốt từ 3.700 - 3.800 đồng/kg, nhưng thương lái mua chẳng bao nhiêu. Theo ước tính, đến thời điểm này Tiền Giang đang còn tồn khoảng 108.000 tấn lúa hè thu chưa bán được.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang lo lắng, mới đầu vụ mà tình hình tiêu thụ lúa hè thu đã gặp nhiều trở ngại. Từ cuối tháng 7 đến tháng 8-2010, khi toàn vùng ĐBSCL thu hoạch rộ sẽ dẫn đến nguy cơ ùn ứ một lượng lớn lúa hè thu.

Thu mua, vận chuyển lúa tại Long An. (Ảnh chụp ngày 5-7-2010). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Thu mua, vận chuyển lúa tại Long An. (Ảnh chụp ngày 5-7-2010). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Doanh nghiệp chê lúa cấp thấp!

Vấn đề khiến ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đau đầu là tình trạng thương lái và doanh nghiệp “chê” gạo cấp thấp? Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giải thích: Hiện thời các doanh nghiệp hạn chế mua gạo là do lúa hè thu đầu vụ chất lượng quá kém không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều thương lái thẳng thừng từ chối không mua lúa ướt IR 50404, mặc dù giống lúa này đang chiếm tỷ lệ khá cao ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang lý giải: “Chủ yếu do nông dân thấy lúa IR 50404 dễ sản xuất, năng suất cao nên chọn làm. Họ chỉ nghĩ đơn thuần lấy năng suất bù lại giá thấp! Đây là vấn đề mà chúng tôi rất lo lắng”!

Theo VFA, các doanh nghiệp thành viên đang dự trữ cả triệu tấn gạo phẩm chất cao từ vụ đông xuân để đấu trộn nhằm cứu lấy một phần lúa chất lượng thấp trong vụ hè thu 2010.

“Tỷ lệ gạo hè thu bạc bụng quá cao (20%-30%), chúng tôi thử đấu trộn để xuất khẩu dạng gạo 25% tấm nhưng cũng không đạt” - một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ không vui gì khi đưa ra nhận định.

Mua giá thị trường - Ai được lợi?

Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ lúa gạo hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu năm 2010; thời hạn mua tạm trữ tính từ ngày 15-7 đến 15-9-2010. Chính phủ giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT hướng dẫn VFA tổ chức phân công cho các doanh nghiệp mua tạm trữ. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ; thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng, tính từ ngày 15-7 đến 15-11-2010. Mặc dù quyết định trên được xem là “chiếc phao” để cứu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL trong giai đoạn khốn khó, tuy nhiên nhiều người vẫn lo âu bởi chẳng biết giá sàn mà các doanh nghiệp thu mua là bao nhiêu?

Bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, phân tích: “Việc chỉ đạo doanh nghiệp thu mua theo cơ chế thị trường sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối. Hiện giá thành sản xuất lúa chất lượng cao vụ hè thu ở An Giang dao động khoảng 3.700 - 3.800 đồng/kg, nếu đảm bảo cho nông dân lãi từ 30% trở lên thì doanh nghiệp phải mua khoảng 5.000 đồng/kg. Trong khi hiện nay giá lúa chất lượng cao chỉ có 3.800 đồng/kg, như vậy liệu đến ngày 15-7 (thời hạn mua tạm trữ), các doanh nghiệp có chịu nâng giá thu mua?”.

Bức xúc về chuyện này, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Giá thành sản xuất vụ hè thu ở từng tỉnh có cao thấp khác nhau, nhưng bình quân từ 3.200 - 3.400 đồng/kg. Do đó khi triển khai mua lúa tạm trữ các, doanh nghiệp cần quan tâm lợi ích cho nông dân”.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Đồng Tháp đề xuất Chính phủ nên quy định mức lợi nhuận tối thiểu cho nông dân trồng lúa nhằm đảm bảo đời sống bà con. Đây cũng là cách để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp và giữ được mặt bằng giá lúa gạo trong vùng.

Cái khó hiện nay là tình hình xuất khẩu gạo đang gặp nhiều trở ngại, áp lực gạo tồn kho từ vụ đông xuân quá lớn, trong khi sản lượng lúa gạo năm nay tăng cao. Dù vậy, lãnh đạo Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, sẽ nỗ lực thu mua lúa tạm trữ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện các kho chứa đã sẵn sàng và công ty đang chờ VFA phân bổ chỉ tiêu, bố trí vốn thì sẽ triển khai thu mua. Công ty Lương thực Long An cũng lên kế hoạch thu mua lúa hè thu tạm trữ để giải quyết đầu ra cho nông dân, mặc dù chất lượng lúa vụ này không cao, càng trữ lâu sẽ càng bất lợi.

Có thể nói hầu hết các doanh nghiệp đang chuẩn bị triển khai mua lúa tạm trữ, tuy nhiên giá thu mua bao nhiêu vẫn phải chờ các ngành chức năng hướng dẫn và phụ thuộc vào diễn biến giá gạo thế giới. 

HUỲNH LỢI – CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục