Vẫn còn phòng học mượn, tạm bợ
Xã Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi) là một xã vùng sâu của tỉnh Cà Mau, tỷ lệ học sinh không được đến trường luôn ở mức cao trong những năm qua. Để khắc phục tình trạng này trong năm học mới, từ đầu tháng 7-2023, ngành giáo dục địa phương đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể - xã hội lập tổ đến từng nhà dân, hộ gia đình tuyên truyền, vận động cho con em đến trường. “Có gia đình, giáo viên tụi em đã đến vận động 3 lần nhưng chưa quyết định cho con em đến lớp do ngại đường sá xa xôi, cách trở”, cô giáo Trần Huyền Trân, đảm trách việc dạy học tại điểm Hiệp Hòa (điểm lẻ của Trường mẫu giáo Ngọc Chánh), trăn trở. Điều cô giáo Huyền Trân lo lắng nhất hiện nay là thiếu phòng học, còn phòng học đang có thì bị xuống cấp nặng, chưa được duy tu, sửa chữa. Cô giáo Huyền Trân chia sẻ: “Phòng học của điểm Hòa Hiệp là phòng mượn của Trường Tiểu học Tân Hùng. Do chỉ có một phòng nên lớp chồi và lá phải ghép chung, trang thiết bị dạy cho các em chủ yếu do cô giáo tự làm. Mưa xuống, phòng bị dột nên các em phải tập trung ở một góc. Đến mùa nước lên, xung quanh bị ngập, các em không có chỗ vui chơi”. Không chỉ riêng xã Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), tại các xã vùng sâu vùng xa như: Kim Sơn (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh); xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu)…, nhiều trường học, điểm lớp cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Võ Lợi, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), cho biết, do điều kiện sông ngòi chằng chịt, đi lại khó khăn, trên địa bàn huyện vẫn còn 94 điểm lẻ (trong đó mầm non là 48, tiểu học là 46). “Nếu không duy trì các điểm lẻ, rất khó huy động học sinh đến trường. Tuy nhiên, khi duy trì điểm lẻ thì lại gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, ngay cả giáo viên cũng thiếu”, ông Võ Lợi nêu bất cập và cho biết, ngành giáo dục địa phương đã kiến nghị cấp trên tháo gỡ nhưng chưa có giải pháp căn cơ.
Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau thông tin, trên địa bàn tỉnh, hiện ở khối mầm non còn 139 phòng học mượn, nhờ; khối tiểu học còn còn 17 phòng học mượn, nhờ.
Thiếu giáo viên
Theo kế hoạch, năm học 2023-2024, toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 10.000 lớp với trên 300.000 học sinh từ mầm non tới phổ thông được huy động đến lớp. Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết, năm học 2023-2024, tỉnh tiếp tục thiếu hơn 1.000 giáo viên. Năm học trước và các năm trước nữa cũng vậy, tình trạng chỗ thiếu - chỗ thừa giáo viên vẫn chưa có giải pháp triệt để. Cụ thể, tại các huyện vùng sâu, hải đảo (như: An Minh, An Biên, U Minh, TP Phú Quốc…) thiếu nhiều giáo viên, trong đó TP Phú Quốc thiếu khoảng 300 biên chế giáo viên.
TP Cần Thơ hiện có hơn 12.200 giáo viên, còn thiếu 688 biên chế giáo viên mới (thiếu nhiều nhất là cấp tiểu học: 313 giáo viên). Tình trạng thiếu giáo viên tập trung ở các môn học mới, như: cấp THCS thiếu giáo viên dạy môn học tích hợp khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; cấp THPT thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Cô Nguyễn Thị Hồng Tím, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thuận (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), cho hay: trong 4 năm qua, năm nào trường cũng thiếu giáo viên, năm nay thiếu 7 giáo viên. Một số lớp học chỉ có 1 giáo viên nên gặp nhiều khó khăn trong việc dạy và học. Nhà trường đã đăng ký tuyển dụng nhưng không có nguồn dự tuyển, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên luôn diễn ra.
Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, thông tin: thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai Đề án sắp xếp phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn (giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030). Dù vậy, qua 3 năm thực hiện, đề án vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Hiện nay, trong giáo dục - đào tạo ở địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, phần lớn các trường dạy 2 buổi/ngày còn thiếu phòng học; phòng ở chưa đảm bảo diện tích tối thiểu, trong khi số lượng học sinh đông; phòng ở còn tạm bợ, thiếu giường ngủ, thiếu công trình vệ sinh, nhà tắm, nước sạch; thiếu nhà bếp, phòng ăn.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang Trần Quang Bảo, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở địa phương, sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đến năm 2025. Cụ thể, sẽ rà soát lại số lượng giáo viên bị thừa và thiếu ở các huyện, thành phố, sau đó vận động giáo viên chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu (trong phạm vi huyện, thành phố). Đối với trường hợp các giáo viên phải chuyển xa nơi ở (ngoài huyện, thành phố), sẽ có chính sách, chế độ kèm theo cho giáo viên; đồng thời kết hợp với chính sách đào tạo lại cho phù hợp với vị trí công tác mới.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tại đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 92.900 phòng học (mầm non, phổ thông công lập), trong đó tỷ lệ phòng học kiên cố chỉ đạt khoảng 81,5%. Đặc biệt, ở khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn hơn 1.270 phòng học nhờ, mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.