Phập phồng mùa mưa bão
Chiều 21-10, đại diện UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây nằm ở 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Huyện Trần Văn Thời có 3 đoạn cần khắc phục sạt lở ngay, gồm: Kênh Mới - Đá Bạc, Đá Bạc - Sào Lưới, Bắc Sào Lưới hướng về Ba Tỉnh; huyện U Minh có 2 đoạn là Dòng Cát - Tiểu Dừa và Bắc - Nam vàm Khánh Hội. Tổng chiều dài 5 điểm này là hơn 5.835m, kinh phí thực hiện ước khoảng 70 tỷ đồng.
Sau khi ký quyết định trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp cùng chính quyền địa phương khoanh vùng khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nơi có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển báo để người dân đề phòng; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở, xây dựng phương án bảo vệ vị trí đê xung yếu, trình UBND tỉnh phê duyệt; nhanh chóng khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục dự án chống sạt lở trình cấp thẩm quyền thẩm định; triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương vận động, sơ tán dân và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở, cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng ở khu vực này.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đê từ Dòng Cát đến Tiểu Dừa dài 2.500m (ở huyện U Minh) đang sạt lở nguy hiểm, đai rừng còn rất mỏng (trung bình từ 0,5-15m), có những vị trí không còn đai rừng phòng hộ. Diễn tiến sạt lở nhanh, uy hiếp thân đê, gây nguy hiểm các khu dân cư Hương Mai, khu dân cư Tiểu Dừa, ảnh hưởng hệ thống điện, trạm y tế và trường tiểu học gần đó. Tại khu vực Bắc - Nam vàm Khánh Hội cũng bị sạt lở dữ dội, hiện không còn đai rừng phòng hộ, gây nguy hiểm đến chân đê và phá vỡ bờ kè bảo vệ khu tưởng niệm các nạn nhân do bão số 5 năm 1997. Sạt lở đe dọa khu dân cư xã Khánh Hội, trường học, trạm y tế…
Không chỉ Cà Mau, ở Kiên Giang có tuyến đê biển dài khoảng 200km, mặc dù có những đoạn được bồi đắp, nhưng không đáng kể, diện tích xói lở vẫn nhiều hơn bồi tụ. Từ đầu mùa mưa bão đến nay, những người dân ở sau phía tuyến đê Quốc phòng, đoạn từ khu vực Tiểu Dừa đến giáp vàm Kim Quy (thuộc xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây, huyện An Minh) luôn thấp thỏm nguy cơ vỡ đê. Thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Kiên Giang cho thấy, do ảnh hưởng của những cơn bão gần đây làm tuyến đê Quốc phòng sạt lở ở 14 đoạn, với tổng chiều dài 720m.
Theo UBND xã Vân Khánh Tây, thời gian qua, các hộ dân sống ở bờ Đông của đê Quốc phòng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thủy triều, nước tràn vào trong đê gây thiệt hại sản xuất. Xã đã vận động người dân tự gia cố bờ bao, vuông tôm, bảo vệ tài sản; đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét kè các điểm sạt lở mới phát sinh; tiến hành gia cố, nâng cao mặt đê nhằm hạn chế nước biển tràn qua đê.
Nỗ lực bảo vệ dân
Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng, thời gian qua, tỉnh được sự hỗ trợ của Trung ương cùng những nỗ lực của địa phương nên có nhiều công trình phòng chống sạt lở bờ biển được thực hiện. Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình phòng chống sạt lở bờ biển còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo rà soát, tổng hợp các dự án di dời dân khẩn cấp do ảnh hưởng thiên tai; bố trí lại dân cư trên địa bàn; xác định tính cấp thiết, thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết: “Những năm gần đây sạt lở gây mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển, đe dọa đê biển cũng như các cơ sở hạ tầng; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sinh kế của người dân”. Thiên tai diễn ra với tần suất ngày càng tăng và cường độ lớn hơn trước; trong đó có nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển. Vì vậy, tỉnh triển khai nhiều giải pháp như xây dựng kè, phục hồi lại đai rừng phòng hộ, khẩn cấp di dời dân vùng sạt lở đến nơi an toàn tại các khu tái định cư ven biển. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên tỉnh chỉ mới xây dựng được kè bảo vệ ở những nơi xung yếu nhất.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh ven biển ĐBSCL lưu ý chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân sống ở khu vực sạt lở đề cao cảnh giác, hỗ trợ người dân chủ động các phương án ứng phó trước những diễn biến bất thường của thiên tai, nhất là đang vào cao điểm mùa mưa bão hiện nay. Ngành chức năng tăng cường dự báo, cảnh báo những khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm để bà con phòng tránh và có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản.
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên Ngày 21-10, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất hiện nay trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,87m; tại Mỹ Tho là 1,81m (trên báo động 3 là 0,21m); tại Mỹ Thuận 1,97m (trên báo động 3 là 0,17m); trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,74m; tại Long Xuyên 2,52m (trên báo động 3 là 0,02m), tại Cần Thơ là 2,01m (trên báo động 3 là 0,11m)… Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục dao động theo triều. Dự báo đến ngày 25-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,80m; tại Châu Đốc ở mức 2,65m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 1 - báo động 2. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay thiên tai đã làm thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng 7,1 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Những ngày qua, 9.700ha lúa thu đông đã bị đổ ngã, ngập úng. Mưa lớn làm triều cường các sông, kênh rạch dâng cao, gây ngập úng cục bộ các vườn cây ăn trái với hơn 304ha, hơn 26ha mía bị đổ ngã, 1.062ha mía bị ngập từ 5-30cm, hơn 333ha rau màu bị ngập úng cục bộ, ước tỷ lệ thiệt hại từ 5% - 30%. NGỌC DÂN |