Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong cuối tháng 7 mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu dao động khoảng 2,85m; trên sông Hậu tại Châu Đốc dao động khoảng 2,45m, cao hơn cùng kỳ khoảng 0,4m. Nước lũ đang lên cũng là lúc các ngành chức năng ở ĐBSCL và người dân khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Tỉnh Kiên Giang tăng cường quản lý tàu thuyền đánh cá, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Sẵn sàng đón lũ
Tại các huyện đầu nguồn như Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) nước đã tràn ngập nhiều cánh đồng, ở những nơi người dân không sản xuất vụ thu đông thì tranh thủ đưa nước vào ruộng nhằm xả phèn, cải tạo đất, lấy thêm phù sa…
Ông Trần Văn Ny, ở xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng cho biết: “Sau trận lũ lớn gần nhất vào năm 2011, thì những năm sau nước về ĐBSCL không còn nhiều. Lũ không về, khiến người dân mất đi nguồn lợi thủy sản khá lớn, nhiều mô hình làm ăn mùa lũ cũng bị ảnh hưởng; trong khi đất đai sản xuất liên tục bị bạc màu, tăng sâu bệnh. Năm nay, dự báo lũ về sớm và lớn hơn trung bình hàng năm làm cho nông dân háo hức đón lũ. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác đề phòng, bởi mùa lũ năm 2011 người dân thờ ơ nên một số nơi bị vỡ đê làm thiệt hại nhiều diện tích lúa thu đông”.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Đồng Tháp, những ngày qua mực nước ở các huyện trong tỉnh lên nhanh từ 8-15cm/ngày. Dễ xảy ra nguy cơ ngập ở các vùng trũng, ven sông, khu vực ngoài đê bao. Ngành chức năng lo ngại, sau mấy năm lũ nhỏ sẽ làm cho người dân chủ quan, nên nhiệm vụ quan trọng lúc này là tăng cường tuyên truyền để mọi người ý thức và sẵn sàng các phương án ứng phó trong suốt mùa mưa lũ.
Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, diễn biến thiên tai càng lúc càng phức tạp nên không thể xem thường. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Kiên Giang, thiên tai đã làm 2 người chết, hàng trăm căn nhà bị sập, nhiều tàu đánh cá bị chìm… thiệt hại về vật chất khoảng 6,4 tỷ đồng. Hiện nay, lũ đầu nguồn đang về và mưa bão cũng thường diễn ra, trong khi địa bàn Kiên Giang có vùng biển rộng lớn, tàu thuyền hoạt động đông; đồng thời có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở vùng ngập lũ thuộc Tứ giác Long Xuyên… nên việc phòng chống thiên tai là nhiệm vụ cấp bách.
Tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng, các huyện, thị... xây dựng kế hoạch PCTT-TKCN năm 2017 sát với thực tế; trong đó, xác định cụ thể nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, phương tiện, chỉ huy tại chỗ, để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Tại An Giang, theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh này nhận định, vào tháng 8, tháng 9, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên dần. Đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng xuất hiện trong nửa đầu tháng 10 tại Tân Châu khoảng 4m; tại Châu Đốc khoảng 3,5m; tại Xuân Tô là 3,5m và Tri Tôn là 2,4m.
Ở vùng hạ lưu tỉnh An Giang, mực nước cao nhất năm tại Rạch Ông Chưởng (huyện Chợ Mới) có khả năng xấp xỉ báo động 3 (3m); trên sông Hậu tại Long Xuyên đạt 2,5m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,1-0,2m… Trước những dự báo lũ về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, gia cố đê bao, duy tu cống bọng… với kinh phí hơn 421 tỷ đồng.
Bảo vệ sản xuất, tính mạng người dân
Nhiệm vụ hàng đầu được các tỉnh ĐBSCL đặt ra là đảm bảo sản xuất và an toàn tính mạng người dân trong mùa mưa lũ. Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết: “Theo kế hoạch vụ lúa thu đông 2017, nông dân trong tỉnh xuống giống khoảng 159.130ha, canh tác hơn 16.000ha rau màu, nuôi trồng thủy sản mùa lũ… Ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” để hạ giá thành, tăng lợi nhuận; đồng thời theo dõi sát diễn biến mưa lũ để thông báo kịp thời cho người dân biết, đề phòng. Đối với những khu vực xung yếu thì bố trí lực lượng trực xuyên suốt, rà soát các điểm nguy cơ sạt lở và có phương án di dời dân đến nơi an toàn”.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Kiên Giang, khoảng 90.000ha lúa thu đông 2017 được nông dân các huyện xuống giống gần xong. Trước tình hình lũ đang lên, tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và UBND các huyện gia cố ngay những khu vực đê bao còn yếu, chưa đảm bảo, nhất là ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Kiểm tra, sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây. Chi cục Thủy lợi tỉnh cần theo dõi sát mực nước lũ và tùy tình hình mà chủ động mở các cống thoát lũ.
Tỉnh cũng đề nghị ngành giao thông có phương án khai thông dòng chảy trước mùa mưa lũ, cảnh báo và kiểm soát giao thông ở những khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn; kiểm tra việc trang bị phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn đối với các tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển…
Ông Nguyễn Văn Tâm lưu ý: “Cùng với lúa thu đông thì Kiên Giang còn là vùng nuôi thủy sản lớn; trong đó vùng tôm ở các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành và thị xã Hà Tiên thuộc vùng tập trung thoát lũ có đê bao thấp, yếu, nguy cơ xảy ra tràn, gây thiệt hại… Vì vậy, cần tính toán việc thả nuôi hợp lý; không nên thả nuôi trong thời điểm lũ dâng cao vào tháng 9, tháng 10, nhằm tránh thiệt hại…”.
Tại Long An, từ đầu năm đến nay, diễn biến thiên tai khá phức tạp làm hàng ngàn hécta lúa và rau màu bị ngập úng, hàng trăm căn nhà bị sập và tốc mái, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi… tổng thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện thị… chuẩn bị phương án ứng phó với mưa lũ.
Phải đảm bảo phương tiện, lực lượng, vật tư… đầy đủ, không để bị đọng khi có tình huống xảy ra. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến từng hộ gia đình về ứng phó thiên tai. Đối với vùng ảnh hưởng ngập lũ Đồng Tháp Mười phải chủ động gia cố đê bao, nhất là những đê bao lửng chưa đảm bảo, cần làm ngay để bảo vệ sản xuất. Phương châm là giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại trong suốt mùa mưa lũ…