Hầu hết các công trình do Nhà nước đầu tư phòng chống sạt lở thời gian qua để bảo vệ những khu vực trọng yếu, còn sạt lở ven sông rạch thì người dân… chạy là chính, vì nguồn vốn có hạn.
Xây đê, kè theo không kịp… lở
Nhằm hạn chế tình trạng sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, thời gian qua, Chính phủ và các tỉnh, thành trong vùng đã đầu tư nhiều công trình xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và đáng lo ngại hơn khi tình hình sạt lở được nhiều nhà khoa học và cơ quan chức năng dự báo ngày càng tiếp tục gia tăng.
Đến thời điểm hiện tại, về phòng chống sạt lở bờ biển, chỉ có mô hình kè tạo bãi ở Cà Mau là có hiệu quả tốt. Tỉnh đã triển khai dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển bước đầu mang lại hiệu quả.
Cụ thể, khi xây dựng kè tạo bãi, một thời gian thì phù sa lắng động, bãi bồi ngày càng được bồi cao nên tiến hành trồng rừng (một số cây mọc tự nhiên), nhờ vậy, tình trạng sạt lở đã giảm hẳn mà còn phát triển được những giá trị đặc thù của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Trong khi đó, hệ thống kè cứng như kè đê biển Gành Hào (huyện Đông Hải) và kè đê biển Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) là 2 tuyến kè xung yếu nằm ở 2 cửa biển lớn của tỉnh Bạc Liêu, được đưa vào sử dụng đã nhiều năm, hiện đã giảm tuổi thọ, nhiều đoạn bị sóng biển đánh vỡ toác.
Có thể thấy tiến độ đầu tư các công trình không theo kịp tốc độ sạt lở bờ sông, biển do thiếu vốn và thiếu quy hoạch, liên kết. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng không nên tiêu tốn nguồn lực vào những biện pháp công trình “cứng” vì chưa có đánh giá cụ thể. Các biện pháp công trình như đê, kè chỉ nên tiến hành ở những nơi bức thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân. Do tính chất thổ nhưỡng ĐBSCL có đất nền thấp, yếu nên các chuyên gia khuyến cáo: Khu vực có nguy cơ sạt lở lớn, tốc độ sạt lở cao, các địa phương cần có kế hoạch từng bước sơ tán toàn bộ tài sản của người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các công trình đã xây dựng lấn chiếm ven sông, nhất là với các công trình lấn ra lòng sông, cản dòng chảy, tải trọng lớn trên bờ sông thì sớm tháo dỡ kịp thời. Đây là phương án “tháo chạy sạt lở an toàn”! Ngoài ra, cần nghiêm cấm xây dựng các loại nhà cửa, công trình tạm trong phạm vi 20 - 30m tính từ mép bờ sông khi chưa có quy hoạch công trình bảo vệ bờ.
Phải kết hợp với “giải pháp mềm”
Trong 3 năm qua, các công bố khẩn cấp về sạt lở liên tục được các tỉnh An Giang, Đồng Tháp phát đi. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở nhiều địa phương khác. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, lâu nay, tình trạng sạt lở tràn lan nhưng cả người dân và doanh nghiệp cứ đổ xô lấn đất ven sông cất nhà. Đây là tâm lý chuộng ở hai mặt “tiền lộ, hậu giang”! Có người nói đây là thói quen cố hữu của người dân Nam bộ. Thế nhưng, đằng sau việc lựa chọn “hai mặt tiền” này là sự trả giá rất đắt. Hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng (tài sản nhà cửa, sinh mạng con người) bị cuốn vào miệng “hà bá”.
Theo thống kê thì hiện nay toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 110 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao. Để gia cố, xây kè đề phòng sạt lở ở các điểm này cần nguồn kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. Tương tự, các địa phương khác như Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng đều cần nguồn vốn lớn để khắc phục sạt lở, và luôn vượt quá khả năng của địa phương. Cả vùng ĐBSCL hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km. Trong đó có 42 vị trí sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 149km cần phải xử lý cấp bách.
Chỉ thống kê sơ bộ, toàn vùng cần phải đầu tư khoảng 6.990 tỷ đồng để xây dựng các công trình kè, đê và di dời dân khỏi vùng sạt lở. Đây là nguồn vốn rất lớn, nằm ngoài “tầm với” của các địa phương. Chính vì thế, bên cạnh giải pháp công trình, phải tính đến những “giải pháp mềm” như xây dựng bản đồ sạt lở, quy hoạch lại dân cư, xây dựng khả năng sinh kế cho người dân.
Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) đề xuất: “Nếu chỉ tập trung khảo sát bờ sông tại ĐBSCL thì chỉ dừng lại mô tả hiện tại. Việc dự báo cho tương lai vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần thông qua kênh ngoại giao để khảo sát sông Mê Công từ thượng nguồn đến ĐBSCL, qua đó xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở cao để các ngành, địa phương và người dân có phương án thích nghi trước mắt và lâu dài, hạn chế thấp thiệt hại nếu có sạt lở xảy ra”.
Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê bao sông Vàm Cỏ
Ngày 31-5, ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Long An, cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê bao sông Vàm Cỏ thuộc xã Tân Chánh, huyện Cần Đước.
Tại hiện trường, toàn bộ đoạn đê bao dài khoảng 50m, rộng 8m bị sạt lở hoàn toàn, ăn sát vào nhà dân, tạo nên một vách thẳng đứng rất nguy hiểm. Đoạn đê bị sạt lở làm ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của người dân địa phương, nhất là khi nước lớn. Ngoài ra, sạt lở cũng làm ảnh hưởng đến một số căn nhà gần đó, có nhà xuất hiện nhiều vết nứt ở phần sân trước, khiến người dân không yên tâm sinh sống.
Ông Trương Công Định, người dân sống gần đoạn đê bị sạt lở, cho biết: Sau khi tuyến đê bao hoàn thành một thời gian thì xuất hiện vài điểm nứt lún, đến khuya 23-5 bị sụp xuống hoàn toàn.
Theo ông Võ Kim Thuần, sau khi nhận thông tin, Sở NN-PTNT đã tổ chức đoàn đến kiểm tra thực tế tại vị trí sạt lở, lên phương án sửa chữa. Chính quyền địa phương đã làm rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở những đoạn có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại...
Được biết, trên tuyến đê này, trước đây đã từng xảy ra sạt lở ở một số đoạn. Đầu năm 2018, một vụ sạt lở đã làm một căn nhà của người dân bị sập hoàn toàn phần nhà bếp, nhà vệ sinh, sụt lún nền nhà.