Đông Á vượt gió ngược


Các tranh chấp thương mại kéo dài đã khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 giảm xuống 2,3% - mức thấp nhất trong một thập niên.
Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, năm 2020, Indonesia nhiều hy vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới. Ảnh: SCMP
Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, năm 2020, Indonesia nhiều hy vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 vừa công bố của Liên hiệp quốc nhận định, bất chấp những “cơn gió ngược”, Đông Á hiện vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng toàn cầu. 

Kinh tế toàn cầu phập phồng 

Tại Mỹ, việc Cục Dự trữ liên bang (FED) giảm lãi suất có thể hỗ trợ phần nào cho hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, do chính sách hay thay đổi, lòng tin của doanh nghiệp yếu và kích thích tài chính kém, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ được dự báo sẽ giảm từ 2,2% trong năm 2019 xuống còn 1,7% trong năm 2020. Trong khi đó, tại Liên minh châu Âu (EU), mặc dù lĩnh vực sản xuất sẽ bị tác động tiêu cực bởi rủi ro trên toàn cầu, song điều này sẽ được bù đắp phần nào nhờ tăng trưởng ổn định của tiêu dùng tư nhân, theo đó GDP tăng ở mức khiêm tốn từ 1,4% trong năm 2019 lên 1,6% trong năm 2020. 

Báo cáo còn dự báo, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 chỉ có thể đạt 2,5% nếu tình trạng bất bình đẳng và cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng được kiềm chế. Trong khi đó, tăng trưởng tại những nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Ấn Độ, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ có bước tiến tích cực trong năm 2020. Tuy nhiên, các yếu tố như bùng nổ căng thẳng thương mại, bất ổn tài chính hay leo thang căng thẳng địa chính trị đều có thể khiến xu hướng phục hồi này bị chệch hướng. 

Điểm sáng Đông Á

Báo cáo cũng nhận định, bất chấp những “cơn gió ngược”, Đông Á hiện vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm nhẹ từ 6,1% trong năm 2019 xuống còn 6% trong năm 2020 và 5,9% trong năm 2021. 

Hãng tin Reuters ngày 17-1 dẫn lời Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Ninh Cát Triết cho biết, nước này sẽ duy trì một chính sách tài chính chủ động và một chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2020 cũng như đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ hơn trong năm nay giữa bối cảnh nền kinh tế đối mặt với sức ép giảm tốc.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, ông Ninh Cát Triết cho hay, Trung Quốc không cố tình theo đuổi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GPD) biến động là bình thường. Những bình luận của quan chức cấp cao này được đưa ra sau khi số liệu chính thức công bố cùng ngày cho thấy, kinh tế của cường quốc châu Á đã tăng 6,1% trong năm 2019, mức thấp nhất trong vòng 29 năm qua mặc dù vẫn nằm trong mục tiêu của chính phủ đề ra là 6%-6,5%.

Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga trước đó đã cam kết chi 10 tỷ HKD (1,3 tỷ USD) cho các biện pháp cứu trợ mới nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh trung tâm tài chính châu Á này phải đương đầu với nhiều tháng biểu tình chống chính quyền, vốn đã gây ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh ở đặc khu này.

Cuối năm 2019, ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra báo cáo nhận định, châu Á là nguồn đóng góp lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. Bởi theo ước tính của Standard Chartered, đóng góp của châu Á, trừ Nhật Bản, vào nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt 69% vào năm 2020, bao gồm 39% từ Trung Quốc và 30% còn lại đến từ các quốc gia châu Á khác, trừ Nhật Bản. Trong khi đó, kinh tế Mỹ chỉ đóng góp 9% và tỷ lệ này của khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone) là 3%.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sang năm 2020 được kỳ vọng sẽ đón nhận thêm thông tin tích cực nhiều hơn so với năm 2019, như Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố ngày 16-1 rằng, Trung Quốc sẽ sử dụng kết quả của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ để chứng minh rằng đàm phán có tác dụng cải thiện nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục