Vầng trăng quên lãng
Nhân dịp Trung thu, NXB Kim Đồng gửi tới độc giả tác phẩm mới nhất của ông: Vầng trăng quên lãng. Tác phẩm vừa được ra mắt là câu chuyện được viết trước trận động đất ngày 21-9-1999 tại Nam Đầu Đài Loan, mang đầy cảm hứng sáng tạo và những ý tưởng đột phá.
Giống như các tác phẩm trước đây, với Vầng trăng quên lãng, độc giả không chỉ được lắng nghe một câu chuyện với giọng kể nhẹ nhàng, ấm áp bằng hình thức thơ cách điệu; mà còn được chiêm ngưỡng những bức tranh đầy màu sắc và sinh động.
Sau khi đọc tác phẩm, mỗi khi ngước lên bầu trời sao, trong những phút giây lặng im không lời, chúng ta luôn hình dung ra hình ảnh một cậu nhóc đứng trong rừng nhà cao chọc trời, tay giơ cao vầng trăng tròn vành vạnh, khuôn mặt nở nụ cười tươi rói. Đó cũng chính là lúc vầng trăng lại lên, tỏa ánh sáng màu nhiệm xuống dương gian.
Trong mắt bé thơ
Sách luôn là phương tiện hữu ích để thông qua đó, cha mẹ nuôi dưỡng những phẩm chất tuyệt vời cho những đứa trẻ. Trẻ em có cách nhìn thế giới qua lăng kính riêng, đôi khi lạ lùng và ngây ngô nhưng đó mới thực sự là chúng.
Qua lăng kính đầy sắc màu, các tác giả Nguyễn Trần Thiên Lộc và Nguyên Trang đã xây dựng nên các nhân vật trẻ con vô cùng ngộ nghĩnh trong bộ sách: Trong mắt bé thơ (Đông Tây và NXB Phụ nữ ấn hành).
Bộ sách gồm 4 cuốn: Bé Bơ làm xiếc, Bài tập của Cua, Rô ron và mèo hoang, Phù thủy May. Các nhân vật đó là cô bé Cua ngại làm bài tập, chỉ ước cho trường bị cuốn trôi đi luôn để khỏi phải đi học, đó là bé Bơ kiên quyết phải trở thành một diễn viên dạy thú sau khi xem xong chương trình xiếc thú trên ti vi, đó là câu chuyện của chú mèo hoang với cái kết đầy bất ngờ và nhân văn trong tương quan với chú rô ron tội nghiệp…
Những câu chuyện nhẹ nhàng được minh họa nhẹ nhàng, đơn giản sẽ đem lại những giờ phút đọc sách thư giãn cho cả gia đình, đồng thời đem lại cho các bé những bài học bổ ích về lòng nhân ái, về sự quyết tâm,…
Sao con hỏi mà con kiến không trả lời?
Làm cha mẹ, theo một nghĩa nào đó, là hành trình trở về thời thơ ấu và trưởng thành thêm một lần nữa cùng con. Sao con hỏi mà con kiến không trả lời? (First News và NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) là một hành trình như vậy.
Cuốn sách tập hợp những bài viết nhỏ của nhà thơ Trần Lê Sơn Ý dành cho con dưới dạng nhật ký, ghi lại những tương tác, trò chuyện cùng con và nhìn thấy con lớn lên mỗi ngày.
Đến với cuốn sách nhỏ này, bạn đọc có cơ hội được dự phần vào thế giới hồn nhiên và trong trẻo, qua những tiếng cười, tiếng khóc; những đêm coi phim khuya; những lần rủ rê mẹ làm món ăn ưa thích; những cuộc đi dạo; những lời tếu táo và những cuộc đối thoại nghiêm túc; và qua những điều đã làm lẫn chưa làm, những điều đã nói và chưa nói.
Như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có lần nói: “Sống dễ lắm. Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”. Người mẹ trong cuốn sách nhỏ này cũng học được từ những cô bé cậu bé nhiều điều vô giá: “Cảm ơn các con vì đã dạy cho mẹ hiểu về giới hạn, sáng tạo và cả tình yêu thương. Cảm ơn cả những nỗi mệt mỏi và những cơn giận dữ, những lời phê bình”.
Mắt kính không vướng bụi
Bao Nakashima là một cậu bé ưa chiêm nghiệm, thích đào thật sâu vào các vấn đề. Cậu không đơn thuần chấp nhận những gì người lớn nói. Cậu cũng không đơn thuần nổi loạn và phản đối tất cả những điều người khác áp đặt lên mình.
Cậu có suy nghĩ và cách nhìn nhận thế giới của riêng mình, một cái nhìn trong trẻo và rất nhân văn. Năm 10 tuổi, Bao xuất bản cuốn sách đầu tay tập hợp những điều cậu quan sát được trong cuộc sống. Sau khi được xuất bản cuốn sách đã thu hút được rất nhiều sự chú ý cả ở Nhật Bản lẫn trên thế giới. Từ đó, cậu bé được mệnh danh là “triết gia nhỏ xinh”.
Mắt kính không vướng bụi là một cuốn sách đặc biệt, khó có thể xếp được vào thể loại nào. Những dòng suy nghiệm xinh xắn của một cậu bé 10 tuổi về cuộc sống thì là sách cho thiếu nhi hay sách cho người lớn? Là văn xuôi hay là thơ? Là sách triết lý hay tâm lý?...
Nhưng chính cái sự mơ hồ ấy lại tạo nên sức hút không tuổi của cuốn sách. Các bạn nhỏ đọc cuốn sách này, dù thấm được đến đâu, chắc chắn cũng sẽ thấy đồng điệu. Người lớn đọc cuốn sách này, dù đồng điệu được đến đâu, chắc chắn cũng sẽ thấy thấm thía.
Kể chuyện tết Trung thu
Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Duy Anh từng viết: “Văn hóa chính là sinh hoạt”. Bởi thế, muốn hiểu văn hóa của một dân tộc, ta cần tìm hiểu nếp sinh hoạt của dân tộc ấy.
Theo dòng lịch sử, nếp sinh hoạt của người Việt ngày nay đã dần khác xưa. Những dẫu có thay đổi, nhiều phong tục tập quán gắn liền với nền văn minh lúa nước vẫn tồn tại và không ngừng phát triển. Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, Trung thu chính là một trong những ngày tết cổ truyền không thể thiếu.
Ấn phẩm tuyệt đẹp mang tên Kể chuyện tết Trung thu (NXB Kim Đồng ấn hành) được tác giả Phương Thúy chấp bút từ những nguồn tài liệu quý giá và tin cậy như Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính),Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm (Trần Quốc Vượng)…
Đặc biệt, qua những bức tranh in màu đẹp, thuần Việt của họa sĩ Kim Duẩn; cuốn sách sẽ giúp bạn đọc nhỏ tuổi hiểu thêm về ngày Tết dành cho chính xác em - những mầm non tươi đẹp của đất nước.
Cổ tích Trung thu
Có thể xem Cổ tích Trung thu (Khai Tâm và NXB Hồng Đức ấn hành) là món quà nhỏ nhắn và dễ thương cho các em thiếu nhi nhân dịp Trung Thu.
Tập sách kể về 6 nhân vật: Chị Hằng, Thỏ ngọc, Chú cuội, Thiềm thừ, Cây đa và Trâu xanh. Mỗi nhân vật được thể hiện bằng một bài thơ rất thuần Việt, đi kèm là một bức tranh về nhân vật đó, được họa sĩ Trịnh Bách chăm chút kỹ lưỡng.
Thông qua những bài thơ giản dị, các em sẽ biết và hiểu về các nhân vật hay câu chuyện gắn liền với dịp Trung thu, mà đâu đó đã từng hiện lên trong những câu chuyện của bà, của mẹ. Câu chuyện về chị Hằng sẽ được các em nhớ thông qua những vần thơ gần gũi và giản dị:
“Hằng Nga là chủ cung Trăng
Vợ vua Hậu Nghệ tài năng hơn người
Vua diệt quạ lửa cứu đời
Nhưng sau chết trận đứt dời mối duyên
Hằng Nga nhờ uống thuốc tiên
Cùng con thỏ ngọc bay lên cung Hàn
Trăng Thu rực rỡ sắc vàng
Ấy là từ ánh hào quang chị Hằng...”