Chúng tôi nhập ngũ đầu năm 1984, sau huấn luyện tân binh thì được biên chế về một đơn vị pháo mặt đất. Ngoài những giờ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu thì anh em trong đơn vị còn tổ chức trồng rau xanh, chăn nuôi thêm lợn, cá để cải thiện bữa ăn cho bộ đội.
Chiều 30 tết, mọi công việc chuẩn bị đón xuân đã cơ bản hoàn tất. Cũng không rình rang gì cả, đơn giản mà ấm cúng. Trước sân tiểu đoàn bộ căng tấm Pano đề dòng chữ “ Chúc mừng năm mới” được cắt từ những tờ giấy màu xanh đỏ. Bên sân khấu có chậu hoa đào nở rộ, khoe sắc đỏ tươi, lộc xanh mơn mởn nhưng... cũng chỉ làm bằng giấy thôi, một vài cành trúc ai đó cắm vào hai bên cánh gà, phía trên treo lá cờ Tổ quốc. Tất cả chỉ có thế. Từ sân tiểu đoàn bộ nhìn lên dãy núi trước mặt thấy mây mù che phủ mà lòng nôn nao khó tả. Không biết giờ này ba tôi còn ngồi còng lưng chẻ lạt gói bánh hay không. Trên hàng râm bụt trước sân có lẽ phủ đầy lá chuối mẹ phơi từ mấy hôm trước. Mẹ chắc tất tả ngược xuôi lo cho cái tết gia đình thêm phần tươm tất. Và các em gái tôi nữa, không biết chúng có còn níu áo mẹ đòi mua áo mới như những ngày tôi còn ở nhà không nữa. Ký ức về quê hương, gia đình cứ thế hiện ra rõ ràng, dào dạt đến nao lòng...
Đêm 30 tết, khi giao thừa đã điểm, bộ đội tập trung điểm danh, nghe chỉ huy đọc lời chúc tết của Chủ tịch nước, căn dặn anh em không lơ là mất cảnh giác, rồi giải tán về phòng sinh hoạt chung để đón xuân. Hôm đó, ngoài bộ phận canh gác, chúng tôi đều có mặt đầy đủ và không ai ngủ được. Phần vì nhớ nhà, nhớ người yêu, bạn gái; phần vì đây là cái tết cuối cùng của anh em trong môi trường quân đội. Rồi đây, khoảng hơn tháng nữa thôi, chúng tôi được xuất ngũ, mỗi người một phương, cuộc sống đang chờ phía trước, ai hay biết trước điều gì, biết khi nào hội ngộ. Những tâm sự lắng lòng, những sẻ chia sâu kín, những lời hứa tìm nhau dù cuộc sống thế nào cũng phần nào làm vơi bớt nỗi niềm của người lính xa nhà trong dịp tết đoàn viên.
Đã có những giọt buồn rơi trên khóe mắt người lính. Buồn, vui, tiếc nuối là tâm trạng của chúng tôi trong thời khắc thiêng liêng ấy. Mọi người đều chuyện trò rồi lại mang bánh kẹo ra chúc tết. Nói thêm là thời kỳ đó, đất nước còn khó khăn cho nên quà tết của chiến sĩ cũng rất khiêm tốn, mỗi người được chia một chiếc bánh chưng nho nhỏ, vài lạng kẹo cứng và mỗi khẩu đội một bao thuốc lá Tam Đảo, thêm lạng trà Thái Nguyên nữa. Bao nhiêu đó góp lại cũng được một bữa liên hoan chào năm mới kha khá rồi. Chúng tôi vừa nhâm nhi trà thuốc, vừa hát. Thôi thì nhạc cụ có gì dùng nấy. Đơn vị có mỗi chiếc ghita đứt dây nhưng không sao, đã có xô, bát sắt, đũa hòa âm rất nhịp nhàng. Tiếng hát xua đi nỗi nhớ thương, đem niềm vui đến cho mỗi người trong đêm giao thừa năm ấy mà cho đến nay, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, qua bao mùa xuân đã đi qua trong đời, tôi vẫn không sao quên được.
Chúng tôi mãi vui như thế đến suốt đêm, chỉ huy đơn vị chắc cũng thông cảm cho lính “cựu” nên không quá khắt khe về điều lệnh, chỉ nhắc nhở anh em chú ý canh gác cẩn thận và phải giữ sức khỏe để tiếp tục cho nhiệm vụ ngày mai...
Sau đó không lâu chúng tôi được xuất ngũ về địa phương. Mỗi người một nơi, ai cũng lo bươn chải mưu sinh, có bạn may mắn thành công trong cuộc sống riêng, có người vẫn còn lận đận, lại có anh bạn nay không còn nữa. Chuyện ngày xưa hẹn gặp cũng không được trọn vẹn vì những lý do riêng, nhưng ai cũng trân trọng, tự hào vì những tháng năm quân ngũ, góp sức mình bảo vệ biên cương Tổ quốc thân yêu. Những cuộc hội ngộ tuy không đầy đủ nhưng ấm áp tình đồng đội. Anh em dù mái đầu đã điểm bạc, vẫn ồn ào tranh nhau kể chuyện đời lính như thuở còn thanh niên sôi nổi. Thật đáng quý biết bao.
Một mùa xuân nữa đang về trên mọi nẻo đường đất nước. Những ký ức về một thời quân ngũ lại trào dâng trong tôi, nhớ cái tết năm xưa mà tâm trạng bùi ngùi khó tả, phải chăng khi ta đã đi qua bao nhiêu quãng đường đời, được trải nghiệm qua nhiều môi trường sống, thì điều còn lắng đọng mãi trong một góc tâm hồn khó phai nhòa, để rồi mỗi khi có dịp là góc khuất ấy lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó chính là tết xa nhà của người lính trẻ.
ĐINH XUÂN TIỄN
Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.