Giải quyết bài toán khó
Có thể nhiều người thắc mắc, sau 3 năm ban hành, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL đã được thực hiện thế nào, đạt được những gì cụ thể. Thắc mắc này là chính đáng vì nhìn bên ngoài có vẻ chưa có động tĩnh gì nhiều. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, Nghị quyết 120 là định hướng ở tầm chiến lược, cần phải có những quy hoạch, kế hoạch cụ thể để triển khai; việc soạn thảo các quy hoạch, kế hoạch này cũng cần độ chín, tốn thời gian.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định: “Trong 3 năm qua, để triển khai Nghị quyết 120, Chính phủ đã cho soạn thảo chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐSBCL, phê duyệt tại Quyết định 324 của Thủ tướng ngày 2-3-2020 và Quy hoạch tích hợp ĐBSCL do tư vấn Haskoning DHV-GIZ đang trong quá trình soạn thảo, dự kiến hoàn tất trong vài tháng tới. Ngoài việc cả 3 chính sách này đều ở tầm chiến lược, đòi hỏi phải có những kế hoạch cụ thể để thực hiện”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cần lưu ý một số trở ngại trong quá trình thực hiện, sự lúng túng trong cách làm mới. Cần thấy rằng, cách làm quy hoạch tích hợp rất lạ lẫm đối với Việt Nam và sẽ không tránh khỏi lúng túng. Phương pháp quy hoạch cũ trước khi có Luật Quy hoạch 2017 là phương pháp quy hoạch theo địa phương, theo ngành một cách riêng lẻ. Từng ngành, từng địa phương đưa ra chỉ tiêu phấn đấu riêng thì khó tương thích với tổng thể. ĐBSCL trước đây đã từng có hơn 2.500 bản quy hoạch theo ngành, theo địa phương, không ăn khớp với nhau.
Một trở ngại khác là tư duy cũ. Hình dung chúng ta đang đứng ở ngã ba đường. Thay vì đầu tư cho con đường mới, nhưng quán tính tư duy cũ là muốn đầu tư dặm vá con đường cũ để tiếp tục theo con đường đó.
Theo cách này thì nhiều vấn đề cần phải “vật lộn” để duy trì cho được lối đi cũ. Trong trường hợp của ĐBSCL đặt ra bài toán là: Làm sao giải quyết cho được hạn mặn, làm sao đắp bít cửa sông cho khỏi mặn, biển không “liên lạc” với sông mà biển vẫn khỏe mạnh cho nhiều cá tôm; làm sao đắp bít sông ngòi để trữ nước ngọt mùa khô mà sông ngòi không thành dòng sông đen… Toàn là các bài toán nan giải. Trong khi đó, nếu chúng ta rẽ sang lối đi mới, thích ứng thay vì chống chọi, thì hàng loạt những chuyện đang là vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa và số vấn đề cần giải quyết sẽ ít hơn.
Nhiều năm qua, việc phát triển nông nghiệp chạy theo sản lượng và loay hoay chống chọi với thiên nhiên. Trong bối cảnh mới, các vùng ngọt hóa sẽ không thể tồn tại lâu. Nhưng muốn chuyển đổi ngược lại như xưa sẽ khó khăn vì ảnh hưởng sinh kế người dân trong thời gian đầu. Nông dân nhỏ lẻ sẽ cần hỗ trợ, vì không đủ nguồn lực để chuyển đổi dù họ có mong muốn.
Tận dụng tốt “bộ ba chính sách vàng”
Gần đây, Bộ KH-ĐT tổ chức nhiều hội thảo để hoàn thành quy hoạch tích hợp ĐBSCL. Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện: “Lần đầu tiên, ĐBSCL có một quy hoạch tích hợp đa ngành cho toàn vùng. Quy hoạch tích hợp cấp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 là một quy hoạch mang tính lịch sử”.
Trước đây cũng đã có vài lần quy hoạch như Quy hoạch tổng thể ĐBSCL do NEDECO Hà Lan soạn thảo năm 1993 và Kế hoạch ĐBSCL (MDP) 2016 cũng do Hà Lan hỗ trợ soạn thảo, nhưng chưa được triển khai vì chưa có cơ sở pháp lý. Quy hoạch tích hợp lần này đã có cơ sở pháp lý vững chắc là Luật Quy hoạch 2017 và định hướng của Nghị quyết 120.
Bên cạnh những vấn đề về đầu tư cải thiện giao thông, hệ thống logistics…, quy hoạch tích hợp lần này sẽ giải quyết một vấn đề mang tính trọng tâm là chuyển nền nông nghiệp sang hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện logistics, cải thiện tiếp cận thị trường; tôn trọng quy luật tự nhiên, xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên.
Chuyển nông nghiệp theo hướng này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nội tại của ĐBSCL. Giảm đê bao khép kín sẽ có nhiều không gian hấp thu và tạm trữ tự nhiên nước lũ trong các cánh đồng đầu nguồn. Nguồn nước lũ tạm trữ sẽ giúp cân bằng mặn ngọt vùng ven biển trong mùa khô. Đối với vùng ven biển, quy hoạch cũng định hướng chuyển hệ thống canh tác thuận theo mùa để giảm công trình ngăn mặn. Việc giảm thâm canh, giảm công trình ngăn sông sẽ giảm được ô nhiễm, giúp sông ngòi thông thoáng hơn, dần dần phục hồi, giảm được áp lực sử dụng nước ngầm, giảm sụp lún của đồng bằng.
Luật Quy hoạch 2017, Nghị quyết 120 và Quyết định 593 của Chính phủ về liên kết vùng, có thể xem là “bộ ba chính sách vàng” cho ĐBSCL; vấn đề còn lại là thực hiện các chính sách này như thế nào để phát huy tốt nhất.
Quy hoạch tích hợp lần này có nhiều “bối rối” vì là lần đầu tiên từ bỏ phương pháp quy hoạch đơn ngành, cục bộ địa phương, chuyển sang phương pháp đa ngành, tích hợp vào một quy hoạch cấp vùng duy nhất cho toàn đồng bằng. Đây là tiền đề cho cách tiếp cận quy hoạch phù hợp với cách tiếp cận quy hoạch tiên tiến trên thế giới.