Chặn sởi bằng vaccine
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, trong sáng 28-8, nhiều quận huyện đã tổ chức họp khẩn tìm cách ứng phó với dịch sởi đang lây lan và bùng phát nhanh trên địa bàn.
Tại quận 7, ông Châu Xuân Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết, đã giao Phòng GD-ĐT quận phối hợp với ngành y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi tại các cơ sở giáo dục; lập danh sách trẻ 1-5 tuổi và tiền sử tiêm vaccine sởi để có kế hoạch tiêm chủng...
Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết, đã yêu cầu chủ tịch UBND các phường chỉ đạo lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch.
Tương tự, ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 10, đã đề nghị lãnh đạo 10 phường và các đơn vị liên quan rà soát, lập danh sách 8.000 trẻ (1-5 tuổi) để khi có vaccine thì tiêm chủng ngay.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), các trung tâm y tế quận huyện, TP Thủ Đức khẩn trương triển khai các hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng. Tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi bằng vaccine phối hợp sởi - rubella (MR) cho trẻ 1-5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng. Các cơ sở khám chữa bệnh chủ động phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu gửi HCDC và báo cáo lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế trong vòng 24 giờ theo quy định. Khi phát hiện trẻ sốt và phát ban, cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế, đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ. Đối với người bệnh, thực hiện cách ly y tế (tại nhà hoặc tại cơ sở y tế )...
Không lo lắng khi đến vùng có dịch
Theo HCDC, trong tuần qua, TPHCM ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi sống tại TPHCM, trong đó 20 ca dương tính. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 525 ca. Mặc dù TPHCM công bố dịch sởi nhưng người dân đến du lịch hay đến công tác không cần phải lo lắng, hoang mang nếu như đã chích ngừa đủ 2 mũi sởi trước đó.
Ngày 28-8, phản ứng trước việc TPHCM vừa công bố dịch sởi trên địa bàn thành phố, đại diện Bộ Y tế thông tin tới báo chí nêu rõ, về tiêu chí chuyên môn, TPHCM đủ điều kiện để công bố dịch sởi theo quy định. Bộ Y tế đề nghị TPHCM tiếp tục huy động thêm nguồn lực, cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Đồng thời, TPHCM cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sau khi công bố dịch. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng; chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như: hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.
Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế ), TPHCM cần tăng cường giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng sởi. Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, lưu ý, cách phòng chống dịch sởi hữu hiệu nhất vẫn là đưa những trẻ chưa được tiêm ngừa sởi, hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi sởi đi chích ngừa vaccine sởi.
Tiêm vaccine sởi xuyên lễ Quốc khánh
Tối 28-8, Sở Y tế TPHCM cho biết, đơn vị đã làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR). Vaccine đang được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ Hà Nội vào TPHCM và dự kiến ngày 30-8, vaccine sẽ về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM. Ngay sau khi tiếp nhận, vaccine sẽ được phân bổ cho các quận huyện. Dự kiến ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi từ ngày 31-8 và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm 2024.
THÀNH AN