Hấp dẫn nông sản, thực phẩm Việt
Ghi nhận cho thấy, có hơn 10.000 nhóm hàng hóa được các DN đến từ nhiều quốc gia như Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan… trưng bày tại triển lãm nhằm tìm kiếm nguồn cung ứng từ DN trong nước. Nhóm hàng hóa đa dạng chủng loại, từ nông sản, gia vị, nước sốt, đồ uống đến thủy hải sản, thực phẩm chế biến…
Ông Richardo Petricius Utoyo, Tổng giám đốc Tập đoàn PT Menara Pangan Desa, cho biết, công ty chuyên sản xuất trái cây sấy khô và theo kết quả khảo sát thị trường của công ty, Việt Nam có nguồn cung nông sản trái cây theo mùa dồi dào, đa dạng. “Đặc biệt, trái cây Việt có độ ngọt, thanh, thơm và chất lượng tiệm cận với tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp sạch toàn cầu. Do đó, đây sẽ là nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định cho công ty”, ông Richardo Petricius Utoyo chia sẻ.
Ấn Độ là quốc gia có số lượng DN tham gia triển lãm đông đảo nhất với gần 300 gian hàng. Nhóm hàng hóa mà các DN nước này mong muốn tìm kiếm là gia vị, hương liệu.
Theo ý kiến nhiều DN Ấn Độ, trung bình mỗi năm, nước này nhập khẩu 5 triệu USD hạt tiêu từ Việt Nam. Chưa hết, Việt Nam là quốc gia chủ lực cung ứng cho Ấn Độ các loại rau gia vị có mùi thơm đặc biệt, nhiều loại gia vị thực vật như quế, hồi, thảo quả, thanh trà và nhiều loại gia vị có nguồn gốc vô cơ/hữu cơ như nước mắm, muối, gia vị lên men (giấm, mẻ, thính gạo…). Tuy nhiên, những đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu trong 2 năm qua đã khiến nhiều DN Ấn Độ gặp khó do nguồn cung từ Việt Nam bị gián đoạn. Do vậy, với giải pháp kết nối giao thương trực tiếp qua triển lãm lần này, DN Ấn Độ mong muốn có thể tìm kiếm và ký kết hợp đồng nhập khẩu trực tiếp từ DN Việt Nam, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường lớn
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ; riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2%. Hiện Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% giai đoạn 2021-2026. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chế biến lương thực thực phẩm đã khẳng định được vai trò trụ cột khi là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu duy trì mức tăng trưởng hơn 7%, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.
Chủ động tiếp cận xu hướng công nghệ mới
Phát biểu tại sự kiện, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, sự có mặt của các DN, tổ chức thương mại, ngoại giao của nhiều quốc gia cho thấy kết nối giao thương đã thể hiện tầm quan trọng của ngành lương thực thực phẩm Việt Nam trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đã thay đổi theo hướng chất lượng ngày càng cao, an toàn và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế đòi hỏi DN không ngừng đổi mới sáng tạo để ngày càng tạo ra những sản phẩm lương thực thực phẩm phù hợp. Do đó, việc tổ chức kết nối giao thương sẽ tạo cơ hội để DN trong và ngoài nước nhận diện rõ nhu cầu, từ đó thúc đẩy liên kết và tăng cơ hội phát triển thị phần.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và các đại biểu tham quan gian hàng tại triển lãm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Cũng theo đồng chí Võ Văn Hoan, thành phố đã và đang hỗ trợ đầu tư cho các DN trong ngành chuyển dịch theo hướng tinh chế, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến cho ra đời sản phẩm chất lượng cao; giảm dần việc đầu tư phát triển theo chiều rộng, tập trung phát triển theo chiều sâu bằng công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn. Nhiều dự án đầu tư dây chuyền thiết bị, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất cho ra đời nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng và giá thành phù hợp. Về phía DN, đồng chí Võ Văn Hoan lưu ý cần chủ động tiếp cận xu hướng công nghệ mới trong ngành, khám phá các sản phẩm sáng tạo, công nghệ tiên tiến, cách tiếp cận mới trong việc sản xuất, chế biến và đóng gói thực phẩm, đồ uống. Đồng thời xây dựng mối quan hệ kinh doanh và hợp tác với các DN, nhà sản xuất, nhà phân phối quốc tế, góp phần mở rộng chuỗi liên kết toàn cầu trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Phương, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Đức, để có thể bắt nhịp với thị trường xuất khẩu lương thực thực phẩm toàn cầu, DN phải nắm bắt chính xác thị hiếu tiêu dùng. Thị hiếu này đang thay đổi rất nhanh. Kế đến là xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và bao bì thu hút thị trường mục tiêu. Đây là vấn đề đơn giản nhưng lại là rào cản lớn của nhiều DN Việt. Cuối cùng, DN cần có chiến lược thương mại điện tử hiệu quả.