Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh cơ quan quản lý phát hiện tình trạng quảng cáo của nhiều nhãn hàng uy tín trong nước xuất hiện trong các video trên YouTube có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Việc lợi dụng không gian mạng để gây hại đang ngày một gia tăng. Có một thực trạng đáng lo ngại là trên không gian mạng đang có rất nhiều nội dung thực sự là rác rưởi. Có những doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới chưa thể hiện trách nhiệm ngăn chặn thông tin xấu, độc hại, mà còn kích hoạt để rác tràn lan trên không gian mạng. Qua việc YouTube chia sẻ lợi nhuận từ việc chèn quảng cáo cho các video clip có lượt view cao, đã khuyến khích việc chạy theo thị hiếu, đưa nội dung giật gân, câu khách lên mạng. Nhiều người đang bị cuốn vào cuộc đua tranh làm “kẻ đốt đền”, sẵn sàng làm mọi việc xằng bậy trên mạng để cố nổi tiếng bằng mọi giá.
Thực trạng đó là vấn nạn thời đại đối với tất cả các nước trên thế giới, riêng với nước ta đã có nhiều hệ lụy do các biện pháp ứng phó bất cập. Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về nạn sản xuất video clip xấu để kiếm tiền. Trong khi trong đời thực chúng ta có bộ máy quản lý và hành lang pháp lý để duy trì trật tự và sự lành mạnh của xã hội, thì trên không gian mạng chưa được như vậy. Một số mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có doanh thu, lợi nhuận rất lớn nhưng lại đang hoạt động như những tổ chức ngoài vòng pháp luật, thiếu phối hợp thực thi trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo ra nhiều tác động tiêu cực từ truyền thông xã hội. Một ví dụ dễ thấy, khi các doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các phương tiện truyền thông thì phải có các giấy phép chứng minh tính pháp lý, nhưng khi quảng cáo trên truyền thông xã hội thì chỉ cần trả tiền. Do vậy trên truyền thông xã hội đang xuất hiện tràn lan các nội dung quảng cáo cho các dự án ma, các sản phẩm hàng giả - hàng nhái, và cả các quảng cáo chính trị tung tin giả, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo.
Dọn rác trên không gian mạng đang là vấn đề cấp bách, đòi hỏi mỗi người dùng mạng xã hội có ý thức tự dọn rác của mình và không xả rác bừa bãi. Mỗi doanh nghiệp nhận thức rõ chỉ quảng cáo ở môi trường sạch. Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải có “công cụ quét rác”, thực hiện trách nhiệm tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, chứ không phải chỉ thụ động gỡ bỏ từng status hay video clip nội dung xấu, độc hại, phản động khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Việt Nam. Không thể chỉ trông vào sự “tốt bụng” của các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới. Bộ Thông tin - Truyền thông đã xác định rõ các giải pháp đồng bộ: hoàn thiện hệ thống pháp luật và lực lượng quản lý không gian mạng; sử dụng pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật; ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; xây dựng trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia...
Các biện pháp ứng phó, đấu tranh bảo vệ an ninh mạng theo quy định pháp luật cần phải được thực thi nghiêm chỉnh: yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cần thực hiện nghiêm việc xóa sim rác như cách quản lý rất hiệu quả của nhiều nước, như vậy sẽ ngăn chặn tình trạng “bịt mặt” vào mạng xã hội để làm chuyện xấu xa, tung tin giả, độc hại, phản động.
Ngoài ra, để có một xã hội tốt đẹp, một không gian mạng lành mạnh, còn phải dựa trên nền tảng những giá trị nhân văn, đạo đức, văn hóa. Trong thực tế cuộc sống đang có những hiện tượng tiêu cực đáng lo ngại: đạo đức bị xuống cấp, con người bị tha hóa, sự lệch chuẩn về giá trị, niềm tin bị suy giảm. Tình trạng đó có tác động tiêu cực từ truyền thông xã hội với những thông tin phản giá trị nhân văn, đạo đức, văn hóa. Do vậy, rất cần trang bị, giáo dục kỹ năng sống cho lớp trẻ khi tham gia không gian mạng, biết chọn lọc thông tin tin cậy, phản biện khoa học, giải trí lành mạnh, không xem những nội dung nhảm nhí, phản cảm, bạo lực, dâm ô, tuyên truyền sai lệch.