Hà Nội những năm mới tiếp quản (năm 1954) không có đến một nửa dân số sống trong ngôi nhà do mình sở hữu. Phần lớn là nhà thuê lại của nhà nước. Cán bộ viên chức tùy theo bậc lương mà được thuê những căn nhà phù hợp. Đại khái bộ trưởng được thuê một biệt thự riêng. Thứ trưởng trở xuống hai bác chung một biệt thự. Bác ở tầng dưới cũng là thứ trưởng nhưng có phần thấp hơn ngạch bậc bác ở tầng trên. Cũng có đôi chút tâm tư. Sau đó nhà nước bán hóa giá thì bác tầng dưới sở hữu căn nhà mặt phố có giá trị gấp vài lần bác ở tầng trên. Và lúc này lại đến bác ở tầng trên tâm tư nghĩ ngợi.
Cán bộ bình thường chỉ thuê được từng phòng nhỏ trong một ngôi nhà lớn hoặc một căn hộ tập thể ở các khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ… Tất nhiên chật chội bí bách không tả xiết. Vào nhà ai chơi có thể đọc tên toàn bộ những gì họ có trong căn hộ chừng 20m2 ấy kể cả người già và trẻ con. Và lũ trẻ là thành phần sẽ phải sơ tán ra ngoài đường trước tiên, nếu như nhà có khách.
Nhiều ngôi nhà thuê như thế có đến hàng 20 năm không quét vôi, sơn cửa. Nhà nước chỉ đảm nhiệm phần sơn vôi ngoài mặt tiền kể từ sau năm 1975. Trước đó phần lớn để nguyên cho rêu mốc hoành hành. Những nhà tư nhân ở khu phố cổ hãn hữu lắm mới có gia đình cho quét vôi lại. Suốt những năm chiến tranh còn có thêm lý do nữa cho việc không quét vôi mặt phố. Người ta sợ lộ mục tiêu, máy bay Mỹ dễ đánh phá. Mãi sau mới biết khoa học quân sự của Mỹ lúc ấy đã tiến bộ ở mức chẳng còn thứ gì trên mặt đất được coi là bí mật nữa.
Nhà rộng hay chật thì tết đến cũng đương nhiên phải dọn dẹp. Việc lớn nhất là mua xô vôi nước về hý hoáy pha bột màu quét lại mặt trong căn nhà. Tưởng đơn giản mà không phải thế. Phải buộc cái xô vào sau xe đạp xuống quãng giữa phố Bạch Mai đến Hợp tác xã Ba Nhất mua một xô vôi đã tôi. Sau đó lại lững thững đạp xe ra phố Nguyễn Khuyến, Cát Linh hoặc lên Ngõ Gạch mới mua được bột ve các màu và chổi đót. Mang về hì hục pha màu vào vôi cho vừa độ đậm. Phòng nhỏ chẳng mất bao công sức quét kín bốn bức tường và trần nhà. Kể cả một lớp lót vôi trắng và hai nước vôi màu cũng chỉ già nửa buổi là xong. Nhưng mệt nhất là công dọn dẹp che phủ. Có bao nhiêu áo mưa cũ, chiếu rách phải lấy ra đậy điệm lên tủ giả, đồ đạc được gom vào giữa nhà. Quét vôi xong lại lau chùi kê đặt tất cả vào chỗ cũ. Những đàn ông Hà Nội ngày ấy hầu như ai cũng biết quét vôi. Chẳng thể thuê ai vì không có tiền. Nhiều nhất cũng chỉ đủ tiền mua vôi ve và vài cái chổi đót bó sẵn ở Cát Linh là vừa vặn hết.
Những năm sau chiến tranh, cuộc sống khá giả lên nhiều. Dọn nhà đón tết không chỉ còn đơn thuần là dọn dẹp quét vôi nữa. Người ta cứ nhằm đến hai tháng trước tết mà giở ra rất nhiều công việc tu sửa cho chỗ ở của mình. Cả thành phố như một công trường bụi bặm và tiếng ồn máy móc. Mờ sáng là những chiếc xe tải lặc lè xúc chật đất công trường mang ra ngoại thành đổ. Tiếp theo là các loại vật liệu gạch đá cát sỏi đổ xuống trước mặt ngôi nhà. Cả ngày là tiếng máy khoan bê tông, máy cắt gạch, máy bào, máy cưa ầm ĩ. Đêm đến là những chiếc xe bồn bê tông tươi len lỏi ngõ ngách mắc ống dẫn vào tận nhà. Nổ máy bơm, phun khói suốt đêm. Dĩ nhiên không bao giờ có hai nhà hàng xóm cùng giở ra sửa chữa một lúc. Cứ nối tiếp nhau mà làm cho đến tết mới thôi.
Có vẻ như việc sửa chữa triền miên trước tết không chỉ vì ngôi nhà hư hỏng. Những vật liệu và thiết bị mới ra đời cũng là một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy người ta sửa chữa. Gần tết, vợ thỏ thẻ với chồng lắp thêm chiếc máy bơm áp lực lên bể nước nóc nhà. Chồng gạt phăng. Bảo, đã mất công làm thì để anh lắp thêm cả hệ thống lọc nước hiện đại nhất của Mỹ một thể. Vợ lại than, chiếc xí bệt và lavabo rửa mặt cũ kỹ, cọ rửa mãi không sạch. Chồng bảo, ôi khó gì, ta sẽ thay xí bệt có tấm sưởi và vòi phun của Nhật là ổn. Vợ lại bảo, hàng xóm tụ tập buổi đêm ồn quá không ngủ được. Chồng đáp, ta lắp thêm cửa kính cách âm hai lớp là xong ngay. Ngần ấy việc tưởng xong ngay nhưng cũng phải kéo dài ít nhất là một tháng. Giờ mới đến lúc lau chùi dọn dẹp đồ đạc trong nhà. Phải gọi thêm hai cô đồng nát vào giúp vài buổi mới hoàn thiện. Vất vả như thế chẳng biết chỉ số hạnh phúc có lung lay gì không?
Chợt nhớ cái thời đói khổ vài mươi năm trước. Quét vôi xong căn buồng, vợ chồng con cái kéo nhau lên chợ hoa Hàng Lược chọn mua một cành đào. Mang về đốt gốc cắm vào chiếc lọ hoa duy nhất trong nhà. Cứ thế ngắm hoa mà cười viên mãn. Chẳng ao ước thêm gì nữa.