Nhà tôi năm nào cũng quét vôi, sơn mới lại tường nhà. Năm nay, ảnh hưởng đủ chuyện từ dịch bệnh đến kinh tế có phần eo hẹp nhưng má vẫn “bấm bụng” rồi kêu cả nhà quét vôi, sơn tường... Má bảo vậy mới hoành tráng, phải mới mẻ sáng sủa đặng còn đón xuân mới. “Cả năm mới có một lần dọn nhà, nên chịu khó chút. Tụi con sắp xếp công việc ở chỗ làm rồi tranh thủ phụ người lớn dọn dẹp. Nhà sáng sủa cô bác tới chơi còn có không khí tết. Rồi nữa, là còn đón thần tài gõ cửa những ngày đầu năm để mang về phúc lộc, may mắn”, má nói.
Nhà tôi dành hẳn 3 ngày để dọn dẹp tất tần tật trong nhà lẫn quét vôi, sơn mới tường. Ngày trước, tôi chính là một chân sai vặt đúng nghĩa mỗi khi cận tết dọn dẹp, khi thì mang cho người lớn thùng nước, khi thì lau bàn ghế, lau sàn nhà, xách rác đi đổ… Những năm sau này, tôi thường phụ mẹ giặt giũ chăn màn, mùng mền các thứ, sắp xếp các vật dụng ngăn nắp, khử mùi ẩm mốc trong nhà… Anh trai tôi hay được ông nội giao cho phụ trách đánh bóng bộ lư đồng. Dịch vụ đánh bóng lư đồng thì ngoài phố cũng có, nhưng ông nội chỉ cách đánh lư bằng tay tại nhà. Cực chút mà ưng ý. Ông còn chỉ cách sắp xếp lư hương, hoa quả và nhiều thứ trên bàn thờ gia tiên. Riêng ông tôi thì thực hiện “chiến dịch” quét mạng nhện, từ nhà thờ xuống dưới bếp, ra ngoài hiên…
“Chắc mấy cái thau cũ, cái bình đựng bông, cái chén cũ rồi cả mấy vật dụng từ hồi nảo hồi nao của bà nội mình dọn bớt được không? Chứ thấy chật nhà quá, mình dọn bớt rồi mua lại đồ mới nghen. Dịp này, phải sắm đồ mới để nhà thêm tươi mới”, khi dọn dẹp đồ đạc của bà nội, anh tôi đã nói như thế. Bà nội lúc đó còn bận đi chợ chưa về nên anh chị tôi cũng đồng ý. Sau khi dọn dẹp xong để trước nhà chuẩn bị mang ra gửi xe rác, cũng là lúc bà nội về tới. Nhìn mấy đồ cũ, nội tôi la quá trời: “Mấy cái này không vứt được đâu nghe mấy đứa. Cái thau cũ vậy mà còn xài được, nội dùng từ hồi ba tụi mầy còn nhỏ tới giờ, năm 1961 lận đó. Còn mấy cái bình bông, cái chén có cũ chút đỉnh thì để riêng một góc cho nội. Dọn dẹp mấy cái khác đi, chớ đồ cũ của nội để yên đó…”. Người già họ hay thích giữ những cái cũ xưa, kiểu hoài niệm dù bây giờ tụi nhỏ không biết hết ý nghĩa của chúng.
Trong “hành trình” dọn nhà đón tết, thu thập những vật dụng hư cũ, các món đồ lâu ngày không dùng tới để nhà cửa gọn gàng hơn trong năm mới, tôi bỗng bồi hồi khi dọn dẹp lại thư từ của má, của các bạn học, mấy món quà lưu niệm nhỏ chút xíu của người này người kia tặng.
“Má gửi lên cho con ít đồ! Rau củ, thịt thà có hết đó. Ở trọ nấu ăn, rủ bạn ăn nữa nghe con. Má gửi thêm 500.000 đồng cho con đóng tiền học thêm tháng này. Ráng học giỏi nha con gái! Thương”… Xem mấy bức thư má gửi từ hồi học cấp 3, đại học mà rưng rưng. Cũng đã lâu lắm rồi mới đọc lại thư tay và cũng không còn thói quen viết thư tay. Dọn nhà, đọc thư cũ, xem hình ảnh mới thấy nhớ tuổi thơ quá, thấy bỏ lỡ nhiều thứ… Bởi vậy, mỗi đồ vật trong gia đình đều gắn liền với cuộc sống, với cả quá khứ, mang theo những kỷ niệm vui buồn.
Dọn dẹp nhà cửa ngày cuối năm luôn là dịp để những người thân trong nhà cùng chia sẻ những chuyện vui buồn trong năm cũ, gắn kết tình thân. Dọn nhà, là gắn kết tình yêu thương và cũng là dọn lại buồn vui trong lòng của chính mỗi người.