Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất nội địa chưa hoàn thiện, doanh nghiệp (DN) vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất nhập khẩu nên chưa tận dụng tối đa lợi thế cho xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu tăng ở khối ngoại
Phân tích tình hình xuất nhập khẩu cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 202,02 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 100,74 tỷ USD, tuy tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so mức tăng 19% và 17,5% của 5 tháng đầu năm 2017 và 2018.
Về cơ cấu xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm ưu thế - đạt 70,41 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thực tế này cũng được xác định rõ khi những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD chủ yếu tập trung ở khối ngoại. Trong 19 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thì điện thoại và linh kiện dẫn đầu với giá trị xuất khẩu đạt 19,9 tỷ USD.
Kế đến là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,3 tỷ USD. Hàng dệt may cũng vươn lên vị trí thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt 12,1 tỷ USD, giày dép đạt 7,1 tỷ USD. Còn lại các sản phẩm khác như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải, thủy hải sản… có giá trị xuất khẩu dao động đạt từ 1,2 tỷ đến hơn 6 tỷ USD.
Ảnh: CAO THĂNG
Chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất
Lý giải vấn đề này, Bộ Công thương cho biết tuy Việt Nam đạt được nhiều thỏa thuận có lợi trong các hiệp định thương mại tự do, nhưng chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy cộng với rào cản kỹ thuật thay đổi tại nhiều thị trường khiến cho DN xuất khẩu trong nước gặp khó.
Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ có những mặt hàng như điện thoại, linh kiện, điện tử, máy tính, hàng dệt may là có lợi thế. Số mặt hàng khác như thủy hải sản, thép, nhựa… đang có nguy cơ giảm mạnh, do liên tục vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Việc Hoa Kỳ năm 2018 đã áp mức thuế chống bán phá giá 250% lên mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam đã gần như chặn cửa mặt hàng này. Hiện các mặt hàng nhựa, đồ gỗ, tôm, cá ba sa… của Việt Nam cũng đang nằm trong khả năng bị áp mức thuế phòng vệ thương mại, nên kim ngạch xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng mạnh.
Tại thị trường châu Âu, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng mức tăng không cao, dao động từ 1,9% đến xấp xỉ 6%, ngoại trừ thị trường Hàn Quốc đang có mức tăng mạnh đạt 8,9%. Riêng với thị trường lớn như Trung Quốc thì kim ngạch xuất khẩu đạt 13,4 tỷ USD, giảm 2,6%. Những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh là thủy sản giảm 11,8%, điện thoại và linh kiện giảm 56,6%, cá biệt xuất khẩu gạo giảm đến 78,7%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu lại tăng mạnh. Báo cáo cũng cho thấy, trong 5 tháng có 21 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 80,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều đáng nói, thị trường nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam lớn nhất vẫn là Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 29,6 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định từ các chuyên gia, đà nhập siêu tăng mạnh là do Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất. Đơn cử như trong lĩnh vực dệt may, vải nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu sản xuất, còn lại phải nhập khẩu. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ sớm hình thành những khu công nghiệp chuyên ngành, thu hút mạnh đầu tư dệt nhuộm có kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn an toàn môi trường để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Còn với sản phẩm điện, điện tử, linh kiện, máy tính - sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu chủ lực - thì khả năng cung ứng của DN trong nước còn rất hạn chế. Đơn cử như Tập đoàn Samsung đưa ra điều kiện cần tuyển 250 nhà cung ứng cấp 1 trong nước cho sản phẩm phụ trợ, nhưng số lượng DN đáp ứng chỉ đạt chưa đầy 30 đơn vị.
Cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang tạo ra làn sóng di dời đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề còn lại là Chính phủ cần có những định hướng trong việc thu hút đầu tư. Theo đó, cần chọn lọc những phân khúc, lĩnh vực đầu tư mà DN trong nước còn thiếu. Từ đó sớm hoàn chỉnh chuỗi cung ứng nội địa, gia tăng nguồn nguyên liệu tại chỗ. Đây cũng là giải pháp để gia tăng khả năng tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.