Đầu ra ổn định đến quý 3-2021
Thông tin từ Công ty TNHH Fly High Garment (quận Gò Vấp) cho biết, những tháng cuối năm, doanh nghiệp (DN) này đã được các khách hàng chuyên xuất khẩu thời trang đi Mỹ xác nhận ký kết lại đơn hàng, đủ để sản xuất đến quý 3-2021. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguyên liệu đang khan hiếm và tăng giá khoảng 20% khiến DN phải tính toán lại đơn giá gia công với đối tác.
Theo phản ánh của nhiều DN khác, không chỉ nguyên liệu trong ngành may mặc khan hiếm, tăng giá mà một số lĩnh vực “ăn theo” như bao bì, băng keo dán, hóa chất… cũng tăng khoảng 15%-20% khiến chi phí sản xuất tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm, thậm chí chỉ đủ trang trải chi phí, nhân công.
Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia trên thế giới, do đó có thể sử dụng nguồn nguyên liệu của các thành viên cùng tham gia. Dù vậy, lâu nay DN Việt Nam sử dụng hầu hết nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, khi đơn hàng tăng trở lại DN bị động trong khâu tổ chức sản xuất, do trước đó không dự báo kịp thời để chuẩn bị nguồn nguyên liệu.
Dẫn chứng số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đang có quan hệ thương mại hai chiều rất lớn với Trung Quốc. Đáng chú ý, nguyên phụ liệu dệt may (sợi, vải, phụ liệu) đang được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, trong đó nhập khẩu vải chiếm gần 60% trong tổng số 13,5 tỷ USD của năm 2019; xơ sợi chiếm 55%...
Để hạn chế những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, VITAS đã khuyến cáo, yêu cầu các DN hội viên cần trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, nhiều DN cũng đang tìm hiểu vật tư, nguyên phụ liệu từ các thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, châu Âu… để chủ động nguồn cung nhằm duy trì sản xuất trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, các DN cho rằng, phải thừa nhận, gần như chỉ có nguyên liệu của Trung Quốc đáp ứng chất lượng, giá cả.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Theo thông tin từ VITAS, nhu cầu của châu Âu và Mỹ trong năm 2020 giảm lần lượt là 45% và 40% với hàng may mặc, giảm 27% và 21% với giày dép. Mặc dù vậy, hai ngành dệt may và da giày Việt Nam cũng có nhiều cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Khi Trung Quốc giảm tổng lượng xuất khẩu lên tới 50% với một số mặt hàng, thì hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam nhờ chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao nên vẫn giữ được giá và mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ.
Vào tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã thay Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất vào Mỹ. Ở thị trường châu Âu, với hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào năm 2025. Trong khi đó, các DN dệt may nhận định, nhu cầu thế giới có sụt giảm trong năm tới, nhưng sẽ không nhiều. Đặc biệt, ở thị trường Mỹ - nơi xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam - sẽ là “đầu não” hàng thời trang với chân rết các nhà phân phối giàu kinh nghiệm bán hàng dày đặc trên khắp thế giới.
Điều quan trọng, hàng Việt Nam cần nâng sức cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc. Ngoài nỗ lực tự thân của mỗi DN trong ngành như mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ, quản trị… thì vai trò thiết lập cơ chế, chính sách của Nhà nước hết sức quan trọng.
“Trước mắt Chính phủ Việt Nam xem xét có những gói hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho DN. Lấy ví dụ về gói hỗ trợ của lãnh thổ Đài Loan, sau khi DN có đơn hàng xuất đi Mỹ và được bạn hàng xác nhận đã nhận đủ hàng, hẹn thời gian thanh toán (hiện nay là 6 tháng - PV) thì chỉ cần gửi xác nhận này đến Ngân hàng Nhà nước Đài Loan, DN được vay tiền với lãi suất 0%. Chúng tôi vẫn sống tốt qua mùa dịch này và không cắt giảm lao động nhà máy tại Việt Nam cũng nhờ vào các chính sách này”, đại diện Công ty TNHH Fly High Garment (lãnh thổ Đài Loan) nêu ý kiến.
Theo đánh giá của Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang, thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, ngành dệt may Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, khi nguồn cung nguyên liệu bị thiếu hụt, mất cân đối và có điểm nghẽn tại khâu dệt, nhuộm.
VITAS kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo địa phương có hạ tầng phù hợp xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn từ 500-1.000ha với hệ thống xử lý nước thải tập trung nhằm thu hút các nhà đầu tư vào khâu dệt, nhuộm; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các khối DN sản xuất nguyên phụ liệu và may, hình thành chuỗi liên kết tại các vùng, miền. Mặt khác, Nhà nước cần cải cách thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu hơn nữa, nhằm giảm thời gian và chi phí cho DN.