“Trong thực tế, nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Trung ương xuống tới cơ sở mất vài ba tháng, thậm chí là cả năm trời. Tương tự, một văn bản kiến nghị, đề xuất của cấp cơ sở lên tới Trung ương cũng mất từng ấy thời gian mới nhận được” - một đại biểu tham dự hội nghị về công tác tổ chức, cán bộ do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức tại TPHCM mới đây, khi nêu vấn đề về thủ tục hành chính trong Đảng, đã phát biểu như trên.
Theo vị đại biểu này, sự chậm trễ trên có nguyên nhân chủ yếu do thủ tục hành chính trong Đảng còn rườm rà, qua nhiều tầng nấc, nhiều cấp lãnh đạo. Cụ thể, một nghị quyết của Trung ương sau khi được công bố, triển khai đến các cấp ủy đảng thường phải qua trình tự các bước, từ cấp ủy tỉnh, thành, rồi đến quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, đảng ủy cấp trên cơ sở rồi đến cơ sở. Ở mỗi cấp, sau khi nhận được nghị quyết của cấp trên còn phải xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện rồi mới triển khai xuống cấp ủy đảng cấp dưới của mình. Mỗi cấp ủy đảng khi xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở cấp mình đều phải gắn với nội dung chương trình, kế hoạch của cấp ủy cấp trên để vận dụng vào thực tế ở cấp mình. Điều này đã làm cho tính chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở từng cấp ủy không cao và chồng chéo, phụ thuộc lẫn nhau giữa các cấp ủy trong cùng một đảng bộ.
Cũng liên quan đến thủ tục hành chính trong Đảng, một đại biểu khác của tỉnh Bình Thuận đưa ra dẫn chứng về việc thực hiện công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân hiện nay cũng rất rườm rà, chồng chéo và có quá nhiều quy định, từ của Trung ương, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương đến các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Hay quy định về công tác tổ chức, cán bộ của Trung ương mà các địa phương nhiều năm qua đang thực hiện có đến 29 văn bản, cộng với khoảng hơn 30 văn bản của tỉnh, thành, tổng cộng là hơn 60 văn bản. “Chỉ nhớ đầu văn bản thôi cũng không tài nào nhớ nổi, nói chi đến nội dung của từng văn bản để vận dụng thực hiện. Cùng một vấn đề nhưng có quá nhiều văn bản, chắc chắn trong từng ấy văn bản sẽ có nội dung trùng lặp hoặc “đá” nhau”, vị cán bộ này nói.
Theo đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, vấn đề đơn giản hóa thủ tục trong Đảng đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng để thực hiện được trước tiên phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. “Về tổ chức văn phòng cấp ủy trong Đảng, từ nhiều năm nay được tổ chức thành một hệ thống, cấp nào cũng có cơ quan văn phòng. Rồi các ban Đảng trong cùng một cấp, ban nào cũng có văn phòng. Các văn phòng cấp ủy và cơ quan của Đảng này đều có chức năng, nhiệm vụ giống nhau là tham mưu và phục vụ. Sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ này sẽ không tránh khỏi gây ra tình trạng trì trệ, thủ tục hành chính rườm rà, làm giảm hiệu lực thực thi nhiệm vụ mà cấp ủy giao”, đồng chí Tất Thành Cang nói. Do vậy, theo đồng chí Tất Thành Cang, yêu cầu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đang là vấn đề cấp bách, tác động đến nhiều lĩnh vực và công tác của Đảng. Làm tốt được yêu cầu này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và tiết giảm rất lớn chi phí hành chính trong Đảng.