Theo đó, các sở GTVT được phân cấp thẩm định thiết kế hầu hết các nội dung cải tạo xe cơ giới hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện thẩm định thiết kế đối với một số trường hợp nội dung cải tạo xe cơ giới phức tạp, đòi hòi cần có chuyên môn sâu như: cải tạo các loại xe khác thành xe chuyên dùng, ô tô đầu kéo; cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch; cải tạo đối với hệ thống phanh, treo, lái theo đề nghị của của nhà sản xuất xe.
Đồng thời, việc thẩm định thiết kế được thực hiện tại bất kỳ sở GTVT trên toàn quốc thay vì chỉ tại địa phương có đăng ký biển số, giúp cho người dân, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn để thực hiện.
Đặc biệt, các thủ tục trong thực hiện cải tạo xe cơ giới cũng được đơn giản hóa như trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không làm thay đổi đặc điểm, kiểu loại phương tiện thì không được coi là cải tạo.
Các trường hợp này sẽ tiếp tục được kiểm định để được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định, ví dụ: lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe…
Đồng thời, thông tư mới bổ sung các trường hợp được miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo để đơn giản hóa các thủ tục, như: thay đổi bố trí chỗ ngồi hành khách hoặc cửa xếp dỡ hàng hóa của thùng hàng hoặc vật liệu bọc, lót thùng hàng…
Thông tư mới còn tháo gỡ khó khăn cho các trường hợp xe cơ giới có các thông số kỹ thuật khác với giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định đã được cấp trước ngày 15-2, tiếp tục thực hiện các bước để nghiệm thu và kiểm định để được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định theo quy định.
Đặc biệt, thông tư mới đã bổ sung trách nhiệm của chủ phương tiện, cơ sở thiết kế, cơ quan thẩm định, cơ sở thi công và cơ quan nghiệm thu trong thực hiện thiết kế, thi công, nghiệm thu và sử dụng phương tiện đúng mục đích cải tạo, nhằm nâng cao chất lượng phương tiện xe cơ giới cải tạo.