
Tính đến nay, sau hơn 1 tháng triển khai giai đoạn 2 thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), TPHCM đã hoàn tất việc rà soát và kiến nghị đơn giản hóa được 75/83 TTHC ưu tiên của các sở ngành và quận huyện, phường - xã - thị trấn (đạt 90,7%). Bước rà soát thí điểm này cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa ra những phương thức và mô hình hay khi tiến hành rà soát và kiến nghị bãi bỏ nhiều TTHC không còn phù hợp thực tế.
Nhiều thủ tục hành chính phải bãi bỏ
Trong số 75 TTHC được các địa phương, đơn vị đề nghị đơn giản hóa, có 46 thủ tục cần sửa đổi, bổ sung, 20 thủ tục phải bãi bỏ và chỉ có 7 thủ tục được đề nghị giữ nguyên. Có 59/75 TTHC của các sở ban ngành TP được rà soát, đơn giản hóa trong đợt này. Trong đó, TTHC trong lĩnh vực xây dựng được đề nghị sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ nhiều nhất. Cụ thể, trong việc cấp phép xây dựng, thời gian giải quyết hồ sơ được kéo giảm xuống còn 15 ngày, thay vì 20 ngày như trước kia và không cần thủ tục xác nhận của UBND phường - xã - thị trấn trong đơn xin phép xây dựng (trừ những công trình tôn giáo). Lý do đơn giản hóa những thủ tục này được đưa ra nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường 4, quận 4, TPHCM. Ảnh: Mai Hương
Về hiệu lực của giấy phép xây dựng, các địa phương, đơn vị cũng đề nghị kéo dài từ 12 tháng lên 24 tháng cho phù hợp với quy định của Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 10-2-2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Việc điều chỉnh giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND xã được đề nghị hủy bỏ toàn bộ. Nhiều địa phương cho biết, thủ tục này UBND xã đã nhiều lần kiến nghị biện pháp đăng ký xây dựng thay thế thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được phê duyệt thuộc địa giới hành chính do xã quản lý. Do vậy, TTHC này không cần thiết phải thực hiện.
Trong lĩnh vực tư pháp, có 6 lĩnh vực hành chính ưu tiên rà soát lần này đều được đề nghị đơn giản hóa (có 3 thủ tục bãi bỏ). Cụ thể, thủ tục công chứng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, kiến nghị bãi bỏ phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng giao dịch, giấy cam kết đối tượng giao dịch có thật và giấy chứng nhận về tài sản chung riêng (đã được chính quyền kiểm tra, xác minh khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở). Trên thực tế, những thủ tục này đã gây phiền hà người dân và rất dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực tại các phòng công chứng.
Về mẫu đơn, mẫu tờ khai trong các loại TTHC đã được đề nghị thay thế cụm từ “đơn xin” thành “đơn đề nghị”. Đây là bước đơn giản hóa TTHC được người dân đồng tình nhất, vì khi áp dụng sẽ dần xóa đi tình trạng xin - cho trong các cơ quan hành chính hiện nay.
Cần sửa luật cho phù hợp với thực tế
Quá trình rà soát, nhiều địa phương, đơn vị đã phát hiện một số bất hợp lý giữa các luật với nhau, từ đó sinh ra những TTHC rườm rà, khó thực hiện vì có nhiều cách hiểu khác nhau. Đơn cử như tại điểm C, Điều 68 Luật Xây dựng năm 2003 về quyền và nghĩa vụ của người xin phép xây dựng, quy định: “Thông báo ngày khởi công xây dựng bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi xây dựng công trình trong thời hạn 7 ngày làm việc trước khi khởi công xây dựng công trình”. Quy định này cần được bãi bỏ, vì không bảo đảm tính khả thi trên thực tế đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ. Hay Luật Đất đai năm 2003 quy định, chỉ có Phòng công chứng Nhà nước mới được quyền công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất. Trong khi đó, Luật Công chứng năm 2006 lại quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng Nhà nước và văn phòng công chứng tư) đều có quyền công chứng các loại giấy tờ trên. Sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật này tạo sự bất bình đẳng giữa các tổ chức hành nghề công chứng và gây phiền hà người dân.
Theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ phó Tổ công tác Đề án 30 TPHCM, quá trình thực hiện giai đoạn rà soát, đơn giản hóa các TTHC ưu tiên, đã cho thấy quyết tâm của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong phấn đấu thực hiện chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC hiện hành. Nhiều nơi đã đề ra kế hoạch chi tiết, cụ thể và có phương pháp, mô hình hay khi rà soát TTHC và bước đầu đạt kết quả khá tốt. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để TPHCM triển khai đồng loạt hơn 2.000 TTHC còn lại.
HOÀI NAM