Hành động nhỏ
Hẹn bạn đi uống cà phê, Hồng Nhung (làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại quận 1, TPHCM) không quên mang theo ly giữ nhiệt riêng. Sau khi chọn món, cô đưa ly cho nhân viên pha chế đựng đồ uống của mình. “Ngoài việc giảm dùng đồ nhựa, nó còn giúp giữ đồ uống được nóng, lạnh rất lâu”, cô chia sẻ.
Hồng Nhung cho biết, cô bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng các dụng cụ ăn uống riêng xuất phát từ nhu cầu bảo vệ sức khỏe bản thân, sau đó giảm rác thải nhựa ra môi trường.
Trước đó, trong một lần mua cà phê mang về, cô từng ngửi thấy mùi nhựa từ ly cà phê sữa nóng, hay những lần mua thức ăn mang về luôn được cho rất nhiều đồ nhựa từ bát, muỗng, túi đựng… Khi tìm hiểu về tác hại của rác thải nhựa với sức khỏe và môi trường, cô quyết định sắm riêng một ly giữ nhiệt và một bộ hộp đựng thực phẩm (gồm 2 món, có muỗng, dĩa riêng).
“Trong một số hoàn cảnh buộc phải dùng hộp, ly đựng của quán, em hướng đến các quán ăn, nhà hàng dùng hộp đựng, ống hút chất liệu thiên nhiên. Tất nhiên, giá sẽ cao hơn một chút nhưng mang lại cảm giác an toàn và có trách nhiệm với môi trường”, Hồng Nhung cho biết thêm.
Trong khi đó, quyết định hướng đến lối sống xanh của Thùy Ngân (kinh doanh tự do, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) bắt đầu từ niềm yêu thích vận động, đặc biệt là bơi lội và trekking (du lịch mạo hiểm dài ngày). Cô cho hay, sau những chuyến đi rừng, cô cảm nhận được nhiều hơn tác động hai chiều giữa con người và thiên nhiên.
“Quay về cuộc sống hàng ngày, em nhận ra chính mình đang có tác động nhất định đến rừng, thiên nhiên. Lúc đó, em tự nhắc bản thân phải lựa chọn cách sống gần gũi, thân thiện với thiên nhiên nhiều nhất có thể”, Thùy Ngân chia sẻ.
Thùy Ngân bắt đầu từ những thay đổi đơn giản: mang theo túi vải, cà mên, bình đựng, ống hút inox... khi mua đồ. Bất cứ bao ni lông, hay rác thải nhựa, giấy... có thể tái chế, cô gom lại để đưa về những nơi có khả năng tái chế. Cô cũng hạn chế mua sắm quần áo và tận dụng đồ cũ trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Thơm Đặng, người sáng lập Gen Xanh, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, khi xây dựng cộng đồng này, cô khuyến khích mọi người thay đổi từ những thói quen nhỏ trong cuộc sống. Cô cho biết: “Mọi người có thể từ chối ống hút nhựa, bao ni lông, mang theo đồ dùng cá nhân, ưu tiên ăn uống tại chỗ thay vì mua mang về”.
Thay đổi và lan tỏa
Thơm Đặng cho rằng, thói quen và ý thức là điều không dễ thay đổi với mỗi cá nhân. Do đó, khi theo đuổi lĩnh vực này, cô xây dựng và tổ chức nhiều sự kiện đa dạng: trao rác nhận quà, workshop giáo dục về môi trường dành cho trẻ em, tổ chức ngày hội sống xanh, phiên chợ xanh, talkshow - sự kiện về môi trường...
“Có thể ban đầu mỗi sự kiện chỉ thu hút 10 người tiếp nhận thông tin và thay đổi. Nhưng từ 10 người đó sẽ nhân rộng, lan tỏa thông điệp sống xanh. Dù còn nhiều khó khăn về chi phí để duy trì hoạt động, tiếp cận cộng đồng… nhưng chúng tôi luôn nhìn vào mặt đã làm được và những phản hồi tích cực”, cô cho biết.
Trên thực tế, quá trình thay đổi sang lối sống xanh không phải không có những bất tiện và khó khăn nhất định. Thùy Ngân cho biết, khi đóng gói hàng cho khách, đặc biệt là những món hàng có giá trị và cần thẩm mỹ như trang sức, giải pháp được cô đưa ra là: “Nếu tận dụng thùng carton, tôi sẽ hỏi ý khách hàng, cũng như phải tập gói một cách đẹp nhất có thể. Với những món hàng dễ vỡ thường phải chèn xốp, trước đó tôi gom lại và tận dụng những đồ mềm có thể dùng thay thế”.
Còn theo Hồng Nhung, chỉ có một khó khăn nho nhỏ là sự bất tiện và hơi tốn kém. Như việc mang theo ly, hộp thức ăn riêng sẽ tạo ra cảm giác lỉnh kỉnh, nhiều đồ đạc, đôi khi quên và mất đồ cũng như ít nhiều bất tiện khi dọn, rửa.
Có thể thấy, hiện nay sống xanh đang là xu hướng chứ không còn là phong trào. Từ đời thường, nhiều cách thực hành sống xanh được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội. Rất nhiều bài chia sẻ thú vị về phương pháp 4T: từ chối, tiết giảm, tái sử dụng và tái chế. Thậm chí, có những thử thách hay phát động phong trào hạn chế rác thải, đồ nhựa dùng một lần được tổ chức sôi nổi.
Từ phong trào có phần “bắt trend” hơn là dựa vào nhu cầu thiết thực của bản thân, đến xu hướng cũng là điều được Hồng Nhung cảm nhận rõ rệt. Cô cho biết, trong môi trường công sở mình đang làm, hầu hết mọi người đều sử dụng ly cốc riêng, đặt cơm từ những tiệm ăn cung cấp khay ăn nhôm, thay vì hộp giấy, xốp như trước; từ chối lấy bọc ni lông khi mua đồ ở siêu thị… “Em hy vọng và tin người trẻ đang dần ý thức được sống xanh là thực sự thiết thực, nên họ áp dụng, chứ không phải phong trào”, Hồng Nhung cho biết.
Ngày 14-8, Gen Xanh tổ chức ngày hội đổi rác và phiên chợ xanh tại Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (302 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TPHCM). Các loại quần áo, thiết bị điện tử cũ, vỏ hộp sữa đã làm sạch, bao ni lông, pin tiểu... được đổi sang ống hút gạo, cây xanh, túi vải, tinh dầu... |