Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là nước Mỹ có vị tổng thống mới, tổng thống thứ 44. Những chính sách đối nội, đối ngoại hợp lý, hiệu quả hơn là điều được trông đợi ở vị tổng thống mới này. Còn hiện tại, những gì mà cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính của Mỹ diễn ra như giọt nước làm tràn ly về thái độ của dân chúng dành cho Tổng thống đương nhiệm George W. Bush.
Điều đó giải thích tại sao tỷ lệ ủng hộ dành cho ông đang xuống mức thấp nhất với chỉ 32%. Ngoài lĩnh vực đối ngoại, chính quyền Bush cũng tạo ra một kỷ lục khi đưa ngân sách từ mức thặng dư tương đương 2,5% GDP xuống thâm hụt 3%. Đây là một đòn 4.000 tỷ USD đánh vào bản quyết toán của Mỹ.
Có thể thấy, 8 năm cầm quyền của Tổng thống Bush theo 2 đường lối hầu như trái ngược nhau. Nhiệm kỳ đầu, mọi thứ dường như bị đảo ngược so với chính sách của chính phủ tiền nhiệm Bill Clinton.
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Bush: Mỹ xâm lược Iraq. Kết quả là tình trạng hỗn loạn, một cộng đồng người Sunni tức giận khi bị tước đoạt tài sản; một dân số người Shiite chán nản và bất an; tình trạng nổi loạn; phong trào khủng bố thánh chiến Hồi giáo và bạo lực bè phái lan rộng. Thế nhưng ở nhiệm kỳ sau, chính phủ Mỹ đã có điều chỉnh chính sách theo đó nhìn nhận lại vai trò của người Hồi giáo Sunni, rút bớt quân...
Đối với CHDCND Triều Tiên, chính sách của chính quyền Mỹ gần như đảo ngược hoàn toàn. Trong mấy tháng đầu mới bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Bush công khai bác bỏ đề nghị của Ngoại trưởng Colin Powell tiếp tục theo đuổi những nỗ lực đàm phán với CHDCND Triều Tiên mà Tổng thống tiền nhiệm Bill Clinton đã khởi xướng. Tuy nhiên, từ tháng 7-2005, ông Bush đã thực hiện một chính sách tương tự, thậm chí còn đa phương hơn so với của ông Clinton – đã có thêm 4 bên ngồi vào bàn đàm phán. Cho tới nay, Tổng thống Bush đã đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách “bảo trợ khủng bố”.
Tương tự là Iran. Những ngày đầu tiên các thông tin về việc Mỹ tấn công Iran ngày càng nhiều và đáng tin cậy. Thế nhưng đến tháng 7-2008, một trong những quan chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ, William Burns, đã tham gia cùng người châu Âu ngồi vào bàn đàm phán với Iran. Đây là người Mỹ đầu tiên tham gia các cuộc đàm phán này.
Đối với tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông Bush cương quyết không tham gia các nỗ lực kiến tạo hòa bình theo kiểu của Clinton. Chính quyền Bush theo một đường hướng không can dự. Nhưng năm 2008, ông Bush đã tham gia sâu vào tiến trình này, tổ chức hội nghị quốc tế tại Annapolis mà ở đó lần đầu tiên cả Israel và Palestine đều chấp nhận rằng mục tiêu của tiến trình là thành lập ra một nhà nước Palestine.
Riêng vấn đề viện trợ chống HIV/AIDS, trong 2 năm đầu cầm quyền của Tổng thống Bush, mỗi năm Mỹ chỉ chi chưa đến 1 tỷ USD cho các dự án HIV trên toàn cầu. Đến năm 2008, Mỹ chi gần 6 tỷ USD, chủ yếu là cho châu Phi.
Tạp chí Newsweek của Mỹ số ra mới đây nhận định: Đối với tổng thống kế tiếp, câu trả lời không phải là việc chỉ đơn giản đảo ngược các chính sách của chính quyền tiền nhiệm vì chính Tổng thống Bush cũng từng phủ định mọi chính sách của người tiền nhiệm và rồi sau đó đã phải sửa đổi. Nước Mỹ cần có một tổng thống tránh phải trả giá thêm cho những chính sách thiếu được hoạch định tốt.
HUY QUỐC