Tuy nhiên, dù là bản Dự thảo cuối cùng để trình Quốc hội thông qua nhưng còn nhiều vấn đề mà ban soạn thảo chưa đề cập. Trong đó, đáng chú ý nhất là 3 vấn đề quan trọng bị lãng quên.
Vấn đề tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 ban hành từ tháng 10-2017 đã nêu rất rõ về vấn đề “Tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”.
Tại phần thi hành, giao cho Đảng Đoàn Quốc hội tiến hành sửa các luật liên quan để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6... Tuy nhiên, ban soạn thảo đã không cập nhật vào Dự thảo các nội dung của Nghị quyết Trung ương 6.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thường xuyên được thực tập ở các viện nghiên cứu và thực hành
Thực tế cho thấy, hiện nay hệ thống giáo dục ĐH công lập đã được phân ra làm 2 bộ phận: cơ sở giáo dục công lập tiếp tục được bao cấp và cơ sở giáo dục ĐH đã tự chủ hoàn toàn (trường công lập và trường công lập tự chủ).
Nhưng trong Dự thảo lại gộp chung chỉ còn trường công lập và làm các nội dung liên quan để quy định như là toàn quốc chỉ có một loại trường ĐH công lập duy nhất! Như vậy, Dự thảo đã phản ảnh nguyện vọng của nhân dân và hiện trạng xã hội?
Do đó, khi sửa lại Dự thảo theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19 và thực tiễn xã hội thì chỉ có cơ sở giáo dục ĐH công lập còn bao cấp, còn được ngân sách tiếp tục đầu tư… mới có công chức, tuổi bổ nhiệm, nhiệm kỳ đối với các cấp quản lý.
Còn “Cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ” được quản lý như “doanh nghiệp” theo chỉ đạo của Nghị quyết 19 thì không còn công chức, chỉ có viên chức. Mà không có công chức, chỉ có hợp đồng lao động xác định thời hạn, thì không có các quy định về tuổi bổ nhiệm hay bị giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ. Không có công chức, được quản lý như doanh nghiệp thì quy định nhiệm kỳ có còn phù hợp hay không? Cùng với đó, ngày nào mà hội đồng trường còn tín nhiệm và bỏ phiếu bổ nhiệm thì ngày đó hiệu trưởng còn làm việc. Hết tín nhiệm thì thôi. Ở Mỹ có hiệu trưởng làm đến 8 nhiệm kỳ (40 năm) cho đến khi ông ấy tự quyết định không làm nữa để nghỉ ngơi vào cái tuổi 81.
Chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi dự lễ khai giảng tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, đã phát biểu: “Sắp tới đây sửa Luật Giáo dục ĐH, hiệu truởng ĐH không còn bị giới hạn tuổi bổ nhiệm hay bao nhiêu nhiệm kỳ nữa”.
Khi cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ được quản trị như doanh nghiệp, thì nó được quản trị như cơ sở giáo dục ĐH tư thục; không còn cơ quan chủ quản. Hội đồng trường mới thực sự là cơ quan quyền lực.
Do đó, nếu làm đúng tinh thần của Nghị quyết 19 thì ban soạn thảo phải mạnh dạn đưa vào nội dung “bỏ cơ chế chủ quản” đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ. Làm như vậy thì hội đồng trường mới thực sự có thực quyền và phát huy hiệu quả.
Lúc này, hiệu trưởng chỉ còn 1 cấp quản lý duy nhất là hội đồng trường chứ không phải chịu đựng cảnh 2 cấp quản lý như hiện nay: vừa hội đồng trường, vừa cơ quan chủ quản.
Nghị quyết 19 yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp đó là Nghị quyết 77 thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục ĐH công lập…
Đã có 23 trường ĐH công lập tự chủ từ năm 2015 đến nay. Những kết quả tích cực của những trường này đã được thừa nhận tại hội nghị sơ kết cuối năm 2017.
Và để các trường ĐH thật sự tự chủ để phát triển mạnh hơn thì bắt buộc phải “dọn đường”, xóa bỏ những rào cản theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 19