Công tác quản lý trật tự đô thị lòng lề đường phải thực hiện hết sức trách nhiệm mới đạt hiệu quả, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, đâu lại vào đấy. Đó là nhận định của Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường (ảnh) khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP trước tình trạng nhiều địa phương để tái lấn chiếm lòng lề đường.
Lơ là là bị tái chiếm
PV: Sau một thời gian các nơi đồng loạt ra quân, trật tự lòng lề đường đã có bước chuyển biến tích cực. Nhưng những ngày qua, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra ở nhiều nơi. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Vài tháng trước, nhiều địa phương ở TPHCM ra quân rầm rộ lập lại trật tự lòng lề đường, rất nhiều tuyến đường tại các quận huyện đã có sự chuyển biến rõ rệt. Thế nhưng, gần đây, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường lại tái phát.
Sở dĩ có tình trạng này do nhiều nơi làm thiếu quyết liệt, chỉ tập trung trong các đợt ra quân hoặc khi cấp trên nhắc nhở mà thiếu sự chủ động, thiếu kiểm tra giám sát. Ngay như quận 1, khi tập trung ra quân liên tục thì tạo sự chuyển biến rõ nét nhưng vắng kiểm tra một thời gian thì đâu lại vào đấy.
Sự thiếu chuẩn bị hoặc chậm thực hiện các giải pháp bền vững nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân như sắp xếp chỗ cho người bán hàng rong có phải là nguyên nhân khiến việc lập lại trật tự đô thị chưa đạt được kết quả mong muốn?
Bên cạnh ý thức của người dân, trách nhiệm của cán bộ trong công tác lập lại trật tự lòng lề đường, thì tùy tình hình thực tế mà quy hoạch bố trí, sắp xếp cho người dân buôn bán, nhất là các chợ tự phát. Những chợ nào tồn tại đã lâu và có thể sắp xếp lại cho ngăn nắp, trật tự thì trước mắt nên tổ chức sắp xếp lại. Những chợ nào lấn chiếm quá mà không thể sắp xếp lại được thì phải kiên quyết giải tỏa. Ngoài ra, việc bố trí cho người bán hàng rong vào nơi buôn bán hợp pháp, ổn định như quận Tân Bình đã làm và sắp tới là quận 1 thí điểm ở đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp sẽ góp phần giải quyết căn cơ tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè.
Các quận huyện khác tùy điều kiện mà có kế hoạch sắp xếp, quản lý và chấn chỉnh. Nhưng quan trọng nhất là công tác quản lý vỉa hè phải đảm bảo trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát vì nếu không sẽ rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, đâu lại vào đấy.
Thiếu năng lực hay có bảo kê?
Nhiều ý kiến cho rằng, việc các hàng quán vẫn ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè do được bảo kê, “chống lưng”. Nhận định của ông về ý kiến này?
Dư luận có quyền đặt nghi vấn và nếu không giải trình được nguyên nhân thì người dân sẽ nghi ngờ có tình trạng bao che, tiêu cực. Việc người dân nghi ngờ có sự “chống lưng” từ cán bộ có thẩm quyền là xuất phát từ việc xử lý không nghiêm minh, không công bằng. Tôi cũng từng đặt vấn đề này, song cái khó là phải có chứng cứ. Ai bao che, người nào bao che, mức độ như thế nào? Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, muốn xử lý thì phải có căn cứ, cơ sở cụ thể. Vì vậy, các quận huyện cần rà soát, nếu phát hiện thì phải xử lý tới nơi tới chốn. Bên cạnh đó là việc gắn với trách nhiệm người thực thi công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông có thể nói rõ hơn về việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trước việc vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm?
Việc nhiều hộ dân đã ký cam kết không vi phạm nhưng thực tế vẫn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cho thấy ý thức của nhiều người dân trong việc tuân thủ các quy định còn hạn chế. Vì vậy, việc tăng cường nhắc nhở, xử lý vi phạm là rất quan trọng. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý trật tự vỉa hè thuộc về các địa phương, người đứng đầu các địa phương. Chủ tịch UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho chủ tịch các quận huyện xây dựng kế hoạch có phân công, giao nhiệm vụ và gắn với trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị và chính quyền cấp dưới trong việc lập lại trật tự đô thị trên địa bàn. Thực tế cho thấy ở địa bàn nào mà bí thư, chủ tịch, trưởng công an quan tâm chỉ đạo thì nơi đó có chuyển biến tốt. Ngược lại, nơi nào chỉ đạo qua loa, thiếu quyết liệt, lại thiếu kiểm tra, nhắc nhở thì không tạo chuyển biến nhiều.
Đồng thời, việc xem xét trách nhiệm các cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác lập lại trật tự đô thị cũng phải được tính đến. Anh được phân công lập lại trật tự đô thị, nếu làm tốt phải được khen thưởng, chưa tốt thì cần xem xét trách nhiệm. Thời gian qua, một số địa phương làm cương quyết, có tổ chức kiểm điểm, nhắc nhở, phê bình, thậm chí điều chuyển một số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cho rằng, việc xử lý như vậy là cần thiết vì nếu anh không phù hợp, không đủ khả năng, đủ sức thì đứng sang một bên cho người khác làm.
Xin cám ơn ông!