Gia tăng bệnh hô hấp người già
Tại phòng khám hô hấp của Bệnh viện (BV) Thống Nhất, trong vòng 3 tuần nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 80 bệnh nhân mắc bệnh hô hấp đến thăm khám, tăng 20 lượt so với các tháng trước. Trong đó, các bệnh thường gặp là viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bác sĩ CK2 Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa hô hấp BV Thống Nhất, cho biết, bệnh hô hấp là nhóm bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, dễ tái phát và gây khó thở nên dễ nguy kịch cho người bệnh. Đối với người cao tuổi, các bệnh hô hấp thường gặp có liên quan đến nhiễm khuẩn (viêm mũi họng, viêm phế quản…) nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc giao mùa. Thông thường có nhiều loại vi khuẩn như phế cầu, liên cầu, tụ cầu… sinh sống ở đường hô hấp trên của người khỏe mạnh mà không gây bệnh. Nhưng khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, thời tiết thay đổi thất thường sẽ giúp các vi khuẩn này phát triển và gây bệnh. Đặc biệt, người cao tuổi sức yếu, dinh dưỡng kém hoặc nằm một chỗ thời gian lâu do đột quỵ sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, bác sĩ Nguyễn Khánh Dương, Trưởng khoa cấp cứu của BV, cho biết, số lượng người nhập viện do thời tiết thay đổi tăng trong những ngày qua. Trong đó có nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu vì sử dụng than sưởi ấm để chống lạnh. Điều này tưởng chừng vô hại, nhưng đó là lầm tưởng chết người. Bởi những loại than tổ ong, than củi khi cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra loại khí cực độc là carbon monoxide (hay còn gọi là CO). Đây là loại khí không màu, không mùi, không gây kích thích cho da và mắt.
Bác sĩ Ngô Thế Hoàng cho biết, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh để điều trị khi có triệu chứng ho, cúm và sốt hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát mà không có chỉ định của bác sĩ.
“Chúng tôi rất hay gặp những bệnh nhân cao tuổi bị bệnh hô hấp nhưng lại tự ý điều trị theo phương pháp không chính thống, làm bệnh tình nặng hơn thì mới nhập viện, như một số trường hợp lao phổi toàn phát. Bệnh ho kéo dài, sốt nhẹ, sụt cân nhưng chỉ nghĩ cảm cúm thông thường, điều trị tại các cơ sở tư, không đúng cách, không có hỗ trợ các cận lâm sàng. Đến khi bệnh nặng hơn, kiểm tra xét nghiệm đàm, chụp X-quang phổi phát hiện lao phổi khá nặng rồi”, bác sĩ CK2 Ngô Thế Hoàng cho hay.
Mùa cao điểm của cúm mùa
Theo TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương, trong vòng 2 tháng qua, trung tâm đã tiếp nhận điều trị gần 1.000 trẻ bị cúm mùa, chủ yếu là cúm A và B. Hiện có khoảng 50 bệnh nhân đang điều trị tại khoa là bệnh nhi mắc cúm. Tuy nhiên, đáng lo là trong đó có không ít bệnh nhi mắc cúm mùa nhưng lại bị biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm phổi nặng. Trước số trẻ mắc cúm gia tăng, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em đã phải sắp xếp dành riêng nhiều phòng để điều trị bệnh nhân cúm, cách ly với những ca bệnh khác đề phòng lây chéo trong bệnh viện. Hơn nữa, phần lớn trẻ nhập viện vì mắc cúm mùa đều chưa được tiêm vaccine ngừa cúm.
Trong khi đó, bệnh cúm mùa lại có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng, gây viêm đường hô hấp với các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Đối với những trẻ có bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm phế quản co thắt, thiếu máu, suy giảm miễn dịch... rất dễ diễn biến nặng và có thể tử vong. Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây trung tâm bắt đầu ghi nhận những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột.
Các chuyên gia dịch tễ cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, nhưng trong giai đoạn thời tiết lạnh hiện nay rất dễ nhầm giữa bệnh cúm với cảm lạnh thông thường, vì đều có những triệu chứng mắc bệnh giống nhau. Tuy nhiên, giữa bệnh cúm mùa và cảm lạnh, tác nhân gây bệnh là khác nhau, khi cảm lạnh thường do một số siêu vi thông thường ở đường hô hấp gây ra như Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus.
Trong khi đó, bệnh cúm do virus cúm có tên khoa học là Influenzae và trẻ khi mắc cúm thường có biểu hiện rất rõ qua 3 hội chứng: hội chứng nhiễm trùng (với việc trẻ thường bị sốt cao liên tục 39-40°C, mệt lả, đuối sức vì sốt); hội chứng đau nhức (nhất là vùng trán, vùng trên nhãn cầu) và hội chứng viêm long đường hô hấp (gồm hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác khô và đau rát họng).
TS Đỗ Thiện Hải cảnh báo, cúm mùa là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân nên thời gian tới số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng. Để phòng bệnh cúm mùa, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; đeo khẩu trang. Việc tiêm phòng vaccine ngừa cúm có ý nghĩa quan trọng với nhóm có nguy cơ lây nhiễm, nhất là với trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 8 tuổi, nhân viên y tế và người có bệnh mạn tính.