Dồn dập nhập viện vì bệnh hô hấp

Những ngày này, thời tiết ở TPHCM chuyển lạnh đột ngột, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám về bệnh hô hấp tăng cao. Trong đó, bệnh thường gặp là viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bác sĩ CKII Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, thăm khám bệnh nhân
Bác sĩ CKII Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, thăm khám bệnh nhân

Còn tại miền Bắc, các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh liên tục khiến số người mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng, nhất là người già và trẻ em.

Cứ lạnh là… ho

Chờ khám bệnh tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, ông T.M.V. (65 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) cho biết, ông liên tục ho có đàm 2 tuần qua; trong tuần đầu ông tự mua thuốc ở nhà thuốc tư nhân gần nhà, nhưng không hết ho. Nghĩ rằng “đô” thuốc chưa đủ mạnh, ông V. đến nhà thuốc khác mua, nhưng uống đến 2 tuần mà tình trạng không cải thiện.

Còn bé H.T.K. (5 tuổi, ngụ quận 5) nhập viện điều trị được 5 ngày vì ho kéo dài, được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi. Chị L.T.H.G. cho biết, vào mùa lạnh là con lại ho, sợ ảnh hưởng đến các bạn, gia đình cho con nghỉ học mấy bữa. Nhưng bé ho hoài, đêm khuya cũng mất ngủ vì ho, chị G. đưa con đi khám thì được chỉ định nhập viện.

Vài tuần gần đây, tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp tới khám và nhập viện điều trị.

Tại Khoa Hô hấp dị ứng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, số bệnh nhân nhập viện đã tăng trên 30% so với trước, các máy thở hoạt động hết công suất.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, số người cao tuổi đến khám, cấp cứu cũng tăng vọt, nguyên nhân do trời quá lạnh.

Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, bình thường mỗi ngày, khoa khám khoảng 15-25 người, điều trị khoảng 200 bệnh nhân nội trú/tháng. Nhưng vài tuần gần đây, mỗi ngày, khoa thăm khám khoảng 50-60 người, tiếp nhận số bệnh nhân nhập viện nhiều hơn...

Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa nhi của nhiều bệnh viện ở miền Bắc cũng đang điều trị cho nhiều trẻ mắc các bệnh ho, sốt cao, viêm phế quản, viêm phổi và viêm phổi do Adenovirus.

Không nên tự ý điều trị

Theo bác sĩ CKII Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Thống Nhất, bệnh hô hấp là nhóm bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngày càng có nhiều loại virus có khả năng gây viêm phổi với độc lực cao và có thể lây lan nhanh thành đại dịch như SARS, cúm A H1N1, Covid-19…

Bệnh hô hấp ở người cao tuổi thường gặp là các bệnh có liên quan đến nhiễm khuẩn, nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc giao mùa. Thông thường có nhiều loại vi khuẩn như phế cầu, liên cầu, tụ cầu… sinh sống ở đường hô hấp trên của người khỏe mạnh mà không gây bệnh. Nhưng khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm và thời tiết thay đổi thất thường, các vi khuẩn này sẽ phát triển và gây bệnh. Nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng ở người cao tuổi, sức yếu, dinh dưỡng kém hoặc nằm một chỗ thời gian lâu do đột quỵ.

Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh để điều trị khi có triệu chứng ho, cúm và sốt, hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát mà không có chỉ định của bác sĩ. Vì như vậy, sẽ làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn, hoặc sử dụng thuốc không phù hợp gây khó khăn trong điều trị, bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, làm giảm cơ hội điều trị.

Để chủ động phòng tránh các bệnh hô hấp vào thời điểm giao mùa, người cao tuổi cần luyện tập thể dục thể thao phù hợp và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Ngoài ra, khi bị ho, khạc đờm và khó thở thì phải đến thăm khám bác sĩ ngay và dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Việc tắm rửa hàng ngày nên dùng nước ấm, buồng tắm kín gió, không nên tắm lâu, lau khô và nên mặc quần áo ngay. Hạn chế quạt máy và máy lạnh, không khí luôn cần được thông thoáng. Khi mưa rét, hạn chế đi ra đường, nên giữ ấm cơ thể tránh bị lạnh đột ngột. Nếu cần thiết, phải mặc đủ ấm (áo ấm, khăn quàng cổ, vớ, mũ) và đeo khẩu trang.

Theo GS-TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, bệnh về đường hô hấp là bệnh lý phổ biến, khiến khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 4-5 triệu trẻ em tử vong do bệnh về đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.

Tại Việt Nam, bệnh về đường hô hấp chiếm 23-38% số ca bệnh ở trẻ em. Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên thường kéo dài 5-7 ngày là khỏi. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi cũng như điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng, từ viêm đường hô hấp trên thành viêm đường hô hấp dưới.

Tin cùng chuyên mục