Mục đích cơ bản của thuế suất TTTC là đảm bảo thu nhập của các công ty đa quốc gia phải chịu mức thuế suất tối thiểu 15% với đối tượng áp dụng chung là công ty đa quốc gia có một hoặc nhiều pháp nhân/bộ phận kinh doanh ở Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR trở lên (khoảng 19.500 tỷ VND) và thuế suất hiệu quả của các công ty trong tập đoàn ở Việt Nam dưới 15%.
Việc áp dụng thuế suất TTTC theo các nguyên tắc trên có tác động lớn đến tính hiệu quả của việc sử dụng thuế suất như là một công cụ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, cụ thể với các dự án đã, đang hoạt động và đang hưởng chính sách ưu đãi mới và các dự án mở rộng đầu tư.
Thuế suất TTTC dự kiến có hiệu lực từ năm nay, trong khi các nước có vốn đầu tư lớn ở Việt Nam như Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Nhật Bản đều sẽ áp dụng quy tắc này vào năm 2024. Trong khu vực, Malaysia, Thái Lan, Singapore cũng đã có phản ứng nhanh và lên kế hoạch hoặc tuyên bố sẽ áp dụng thuế nội địa tối thiểu nhằm dành quyền đánh thuế bổ sung để chặn dòng tiền phát sinh ở nước họ không chảy sang nước khác. Việt Nam có nên làm theo các nước láng giềng: giành quyền thu thuế bổ sung nhằm đảm bảo lợi ích về thu thuế?
Nếu Việt Nam thu thuế bổ sung thì có thể vi phạm luật bảo hộ nhà đầu tư, vì làm phát sinh so với cam kết ban đầu của Chính phủ về ưu đãi thuế. TPHCM sẽ cạnh tranh như thế nào trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các quốc gia khác sẽ có những chính sách ứng phó với thuế suất TTTC? Đó là những vấn đề và câu hỏi được nhiều chuyên gia và nhà hoạt động thực tiễn thảo luận trong tọa đàm gần đây do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phối hợp cùng các đối tác tổ chức.
TPHCM hiện có 4 hình thức ưu đãi thuế (thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu, thuế đất và khấu hao) và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không phải là trọng điểm. Thêm vào đó, thành phố cũng đã xác định rõ mục đích chính của việc thu hút đầu tư là tạo thêm công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ cao để làm cơ sở cho phát triển kinh tế nội địa; nguồn thu từ thuế doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài là một mục tiêu, nhưng không phải là mục tiêu duy nhất.
Đứng trước những tác động, thách thức và lựa chọn, Việt Nam cũng như TPHCM nên có phản ứng nhanh để tận dụng thời cơ và hóa giải thách thức. Ngoài việc rà soát các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chúng ta nên có những đánh giá lại để tái cấu trúc kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Cần lưu tâm, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là trọng điểm chính để thu hút đầu tư nước ngoài (nhất là đối với TPHCM). Thực tế, nhiều nhân tố khác có yếu tố quyết định hơn nhiều, như môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, miễn giảm thuế đất...
Và đặc biệt cần tập trung xem xét lại việc sử dụng đòn bẩy công cụ thuế, các chính sách ưu đãi thuế, nhất là các chính sách gây tốn kém và phi hiệu quả. Cụ thể hơn đó là chuyển sang cơ chế ưu đãi mới dựa trên chi phí bao gồm siêu giảm trừ, trừ thuế dựa trên chi phí (chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí giáo dục - đào tạo, cải thiện môi trường). Điều này không chỉ giúp thu hút đầu tư (về số lượng) và thu hút được các nhà đầu tư có chất lượng. Đẩy mạnh xem xét và thực thi cải cách thuế để phù hợp với Quy tắc chống xói mòn cơ sở toàn cầu (GloBE). Nếu muốn giành quyền thu thuế bổ sung, nên xây dựng quy trình cụ thể để đảm bảo giành được quyền đó cũng như tăng cường năng lực thu và quản lý thuế một cách minh bạch, hiệu quả.